Ông Trump đang trong cảnh ‘tứ bề thọ địch’?

Căng sức trên mặt trận đối ngoại

Một tuần sóng gió mới mở ra với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ ngày 9-4 khi các quan chức cấp cao của Mỹ nhóm họp dưới sự chỉ đạo của tân Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton để thảo luận cách thức phản ứng vụ tấn công hóa học hôm 7-4 ở thị trấn Douma, vùng Đông Ghouta, Syria khiến ít nhất 80 người thiệt mạng, theo CNN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TIME

Tổng thống Trump ngay lập tức quy trách nhiệm vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường này cho chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau. Điều này khiến dư luận sục sôi khả năng Mỹ tung ra hành động quân sự mới đối với Syria tương tự sự kiện ngày 7-4 năm ngoái. Trong vụ việc ở Syria, ông chủ Nhà Trắng khiến nhiều người bất ngờ khi hôm 8-4 thẳng thừng nêu tên Tổng thống Nga Putin và nhắc đến trách nhiệm của Moscow.

Càng làm căng thẳng dâng cao, đài truyền hình nhà nước Syria đưa tin một vụ tấn công tên lửa đã diễn ra tại căn cứ không quân T4 ở tỉnh Homs nước này vào sáng sớm 9-4 và nêu khả năng Mỹ là tác giả. Lầu Năm Góc sau đó phủ nhận trách nhiệm, còn Bộ Quốc phòng Nga khẳng định Israel đứng sau vụ nã tên lửa.

Tiếp tục vướng rắc rối với nước ngoài, ông chủ Nhà Trắng đẩy Mỹ đến đỉnh cao một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc khi hai bên thông báo áp đặt thuế vào mặt hàng nhập khẩu của nhau. Trong những tuần gần đây, cả hai quốc gia không có dấu hiệu cho thấy sẽ lùi bước trong cuộc so găng được dự báo là khốc liệt. Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hồi tháng 3 trên Twitter đầy tự tin rằng “Chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thắng”, Trung Quốc đã đáp trả lại vài ngày sau bằng thông báo: “Trung Quốc sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ lợi ích hợp pháp bằng mọi biện pháp cần thiết”.

Ông Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bắt tay tại sự kiện APEC năm 2017 ở Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: GETTY

Sóng gió tại Washington

Ở trong nước, Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của ông Trump cũng gặp không ít sóng gió. Ông Mike Pompeo - Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA), người vừa được Tổng thống Trump chọn làm Ngoại trưởng, dự kiến sẽ trải qua phiên điều trần khắc nghiệt với những chất vấn hóc búa từ phía các thành viên đảng Dân chủ vào ngày 12-4 tới để được phê chuẩn.

Tổng thống Trump tuần trước ra quyết định điều lực lượng cảnh vệ quốc gia tới biên giới Tây Nam để phản ứng với những gì mà giới phê bình gọi là một cuộc khủng hoảng không tồn tại. Điều này đang khiến chính sách nhập cư của Mỹ bị phân cực và nhiều khả năng vấn đề còn chuyển biến xấu hơn nữa trong những ngày sắp tới.

Sự xáo trộn nhân sự liên tục cùng bầu không khí bất hòa trong nội bộ chính quyền Mỹ cũng trở nên căng thẳng. Mới đây nhất, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Michael Anton đã từ bỏ chức vụ vào tối 8-4 sau hơn một năm phục vụ, ngay trước khi ông Bolton nhậm chức.

Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) Scott Pruitt cũng đang lâm vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” sau một chuỗi bê bối tiếp nối. Ông Pruitt đang bị chỉ trích vì sử dụng một đội vệ sĩ bảo vệ ông 24/7 đắt đỏ và dùng máy bay tư nhân tốn kém cho các chuyến công tác thay vì máy bay thương mại. Dù được Tổng thống Trump bênh vực là “Giám đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Mỹ làm việc rất tốt”, không có gì đảm bảo hết tuần này ông Pruitt vẫn bám trụ nổi chức vụ trước sức ép của dư luận.

Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) Scott Pruitt. Ảnh: GETTY

Đám mây mang tên "Nga can thiệp bầu cử Mỹ" bao phủ mỗi ngày kể từ khi ông Trump lên nắm quyền và đám mây này khả năng ngày càng dày đặc trong tuần này. Sự hiện diện của Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg ở Đồi Capitol ngày 19-4 càng tăng thêm nguy cơ làm hồi sinh hoài nghi về sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Facebook đang vướng vào vụ bê bối rò rỉ thông tin hàng triệu người dùng tại Mỹ mà bên tiếp cận kho dữ liệu "đi lạc" này đã khai thác để nhắm vào kỳ bầu cử cuối năm 2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm