Đồng minh Mỹ quay sang mua vũ khí Nga như thế nào? ​

Tập đoàn công nghệ hàng đầu của chính phủ Nga Rostec (chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao cho các ngành dân sự và quốc phòng) ngày 6-4 lên án Mỹ cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Rostec, gói trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào Công ty quốc phòng Rosoboronexport (công ty con của Rostec) là nhằm đẩy Nga khỏi thị trường vũ khí quốc tế, trong đó có các đồng minh của Mỹ để bảo toàn quyền lợi công nghiệp vũ khí của mình. Rosoboronexport buôn bán hàng loạt vũ khí, công nghệ, dịch vụ quân sự, chiếm lượng lớn xuất khẩu vũ khí của Nga.

Ngày 6-4, Bộ Tài chính Mỹ ban hành một gói trừng phạt mới với Nga vì cáo buộc Nga đã thực hiện “một loạt hành động thâm hiểm khắp toàn cầu”. Gói trừng phạt này nhắm vào 24 cá nhân và 14 công ty Nga. Ngoài Rosoboronexport, Mỹ còn trừng phạt một số công ty năng lượng lớn của Nga như En+ và Eurosibenergo và một số tập đoàn công nghiệp. Gói trừng phạt cũng nhắm đến nhiều doanh nhân và quan chức cấp cao Nga, trong đó có Bộ trưởng Nội địa Vladimir Kolokoltsev và cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Nikolay Patrushev.

Tuy nhiên, theo Rostec, tất cả cáo buộc của Mỹ với Nga “chỉ là cái cớ để đẩy Nga ra khỏi thị trường vũ khí toàn cầu”.

Gian triển lãm của Tập đoàn công nghệ quốc phòng Nga Rosoboronexport tại hội chợ thương mại công nghiệp Quốc phòng và An ninh quốc tế Eurosatory ở Paris (Pháp) năm 2016. Ảnh: SPUTNIK

Gian triển lãm của Tập đoàn Công nghệ quốc phòng Nga Rosoboronexport tại Hội chợ thương mại công nghiệp quốc phòng và an ninh quốc tế Eurosatory ở Paris (Pháp) năm 2016. Ảnh: SPUTNIK

Theo Sputnik, Mỹ từng đe dọa trừng phạt lĩnh vực quốc phòng Nga trong bối cảnh Nga đang tăng xuất khẩu vũ khí. Tháng 10-2017, Mỹ từng đưa hơn 30 tập đoàn, công ty Nga trong đó có Rostec vào danh sách đen có nguy cơ bị trừng phạt.

Mỹ cũng có vẻ quan ngại chuyện Nga xâm nhập thành công các thị trường đồng minh thân cận và các đối tác mua bán vũ khí lớn của Mỹ, đặc biệt ở Trung Đông. Vũ khí của Nga gần đây thu hút được sự chú ý của Bahrain, Ai Cập, Morocco, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Tunisia.

Trong các nước này, Saudi Arabia hiện là đối tác mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Tháng 10-2017, Saudi Arabia ký với Nga một loạt hợp đồng mua vũ khí trị giá hơn 3 tỉ USD sau khi vua Salman bin Abdulazir Al Saud thăm Nga. Theo đó, Nga sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa chống máy bay S-400, tên lửa dẫn đường chống tăng, máy phóng lựu, súng trường tấn công Kalashnikov AK-103... cho Saudi Arabia. Hai bên cũng thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất súng trường Kalashnikov AK-103 tại Saudi Arabia.

Saudi Arabia ký các hợp đồng mua vũ khí với Nga trong khi vẫn tích cực mua vũ khí của Mỹ. Tháng 5-2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm nước này, hai bên đã ký một hợp đồng kỷ lục tới 350 tỉ USD, lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Tháng trước, Mỹ tiếp tục thông báo đang có kế hoạch bán vũ khí sang Saudi Arabia theo một hợp đồng trị giá 1 tỉ USD.

Tuy nhiên, vị thế của Mỹ tại thị trường vũ khí Trung Đông dường như đang ngày càng bấp bênh hơn khi UAE và Qatar, hai trong số năm đối tác hàng đầu mua vũ khí của Mỹ, thể hiện quan tâm đến vũ khí Nga.

Năm 2017, truyền thông Nga từng đưa tin UAE có ý định mua một phi đội máy bay chiến đấu tiên tiến Sukhoi Su-35 của Nga. Hai nước còn có kế hoạch phát triển một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ, dựa vào phiên bản MiG-29 của Nga.

Tháng 1-2018, Đại sứ Qatar tại Nga Fahad bin Mohammed Al-Attiyah cho biết nước này đang thương lượng mua hệ thống tên lửa chống máy bay tiên tiến S-400 của Nga. Ông Al-Attiyah hoan nghênh thỏa thuận hợp tác quân sự hai nước ký tháng 10-2017 đã “mở một hướng tiếp xúc cho Nga và Qatar trong lĩnh vực quốc phòng”.

Tên lửa chống máy bay tiên tiến S-400 của Nga, loại vũ khí nhiều đồng minh Mỹ đang thỏa thuận mua của Nga. Ảnh: REUTERS

Tên lửa chống máy bay tiên tiến S-400 của Nga, loại vũ khí nhiều đồng minh Mỹ đang thỏa thuận mua của Nga. Ảnh: REUTERS

Sự cạnh tranh giữa Nga và Mỹ trong thương mại vũ khí vượt ngoài cả Trung Đông. Ấn Độ khả năng lớn sẽ mua hệ thống tên lửa chống máy bay S-400 của Nga, trong bối cảnh Mỹ đang cố thuyết phục bán hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot cho Ấn Độ. Ngày 29-3, New York Times đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman nhiều khả năng sẽ ký thỏa thuận mua bán này trong chuyến thăm Nga sắp tới, gọi đây là một “bước lùi” của Mỹ.

Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh NATO của Mỹ, không chỉ ký với Nga hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD để mua các hệ thống tên lửa chống máy bay S-400 hồi tháng 12-2017 bất chấp phản đối từ phía Mỹ mà còn liên tục thúc giục Nga nhanh chóng giao hàng. Sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vài ngày trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận Nga sẽ đẩy nhanh tiến trình sản xuất và giao hàng theo yêu cầu của “bằng hữu và đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm