Xem xét cho vay ngoại tệ để mua lúa gạo

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo các NHTM, chỉ đạo Giám đốc các chi nhánh NHTM tại các tỉnh, thành phố Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo cân đối, ưu tiên tập trung bố trí đủ vốn cho vay trên tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp để có thêm nguồn vốn kịp thời thu mua tạm trữ, chế biến, xuất khẩu lúa, gạo Vụ Đông - Xuân 2019 nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định giá bán hợp lý cho nông dân; Chủ động làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu lúa, gạo để có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn như: xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay lưu vụ, tiếp tục cho vay mới, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng mức vốn cho vay thời vụ,…;

Bên cạnh đó các NH cũng cần phải tăng cường cho vay trung, dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp củng cố, mở rộng diện tích kho chứa, bảo quản, chế biến lúa, gạo. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, nghiên cứu triển khai sản phẩm tín dụng cho vay lúa gạo, linh hoạt kỳ hạn cho vay phù hợp chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa, gạo, góp phần giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh.

NHNN cũng yêu cầu các nhà băng thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo Vụ Đông - Xuân 2019.

Các NHTM có vốn Nhà nước chủ động đi đầu hạ lãi suất cho vay xuống mức 6%/năm, xem xét cho vay ngắn hạn đối với các nhu cầu vốn bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo phù hợp với các quy định hiện hành của NHNN về cho vay ngoại tệ đối với khách hàng là người cư trú.

Hàng loạt ngân hàng bắt tay giảm lãi suất hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, bà con nông dân, hiện nhiều NHTM như Agribank, Vietcombank, Sacombank... đã cam kết cân đối đủ nguồn vốn cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất và thời hạn cho vay hợp lý (chỉ từ 6% một năm).

Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank, ngân hàng này sẽ dành khoảng trên 9.000 tỷ đồng cho vay các nhu cầu thu mua lúa gạo.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), gần 70% tín dụng của nhà băng này là dành cho nông nghiệp nông thôn. Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank cũng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn, đồng thời, hoàn thiện các phương thức, cách thức cho vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận vốn.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, hiện nay ngân hàng này đang cho vay khoảng 15.000 tỷ đồng trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ACB cho rằng, ngoài việc xem xét hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp lúa gạo, đơn vị sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm cho vay lúa gạo với kỳ hạn dài hơn một mùa vụ để giảm tải áp lực trả nợ cho người nông dân, gia tăng cơ hội dự trữ lúa gạo trong các thời điểm giá thị trường xuống thấp.

Đến cuối tháng 1-2019, dư nợ cho vay ngành lúa gạo đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó riêng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50.000 tỷ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm