WB nên ưu tiên cho nước nghèo nhất vay tiền

...Và ngưng cho các nền kinh tế tăng trưởng nóng như Trung Quốc vay, theo quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, khi ông dự các cuộc gặp mùa xuân 2019 do WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vốn kết thúc ngày 14-4 (giờ Mỹ).

Ông Mnuchin nói: chính phủ Tổng thống Donald Trump phấn khởi, khi lĩnh vực cho vay tư nhân của WB  muốn tăng cường hỗ trợ các nước “bị tác động vì xung đột, bạo lực và yếu ớt”, nhưng WB cần bảo đảm sự ủng hộ này nhằm “kích hoạt đầu tư tư nhân vốn nhắm đến kích cầu tăng trưởng và xóa nghèo”.

Mỹ muốn WB chú ý cho các nước nghèo hơn vay tiền. WB là nguồn hỗ trợ phát triển chủ yếu cho các dự án như xây dựng đập thủy điện để truyền tải điện năng. Ông Mnuchin nói các khoản đầu tư vào sản xuất năng lượng là điều cần thiết để giúp các nước nghèo hơn phát triển.

Theo hãng tin AP, chính quyền Mỹ thành công trong việc đặt một người từ lâu chỉ trích WB, ông David Malpass vào vị trí chủ tịch WB, dù mới đây Tổng thống Trump nói ông đã cân nhắc giới thiệu ái nữ Ivanka Trump vào  ghế lãnh đạo WB.

Cuộc họp của IMF - Ảnh : AP

Đầu năm 2019, khi ông Kim Yong Kim đột ngột từ chức chủ tịch WB, có tin cô Ivanka và ông Malpass được xem xét giới thiệu làm chủ tịch WB, chức vụ luôn dành cho một người Mỹ.

Ông Malpass chỉ trích dù Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Trung Quốc lại vay tiền lãi suất thấp của WB, và nước này đem cho các nước nghèo hơn vay lại. 

Trùng thời điểm các cuộc gặp mùa xuân của WB và IMF, còn có các cuộc họp của  các Bộ trưởng Tài chính của  G-20, tức 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, ở Washington.

Các quan chức này thừa nhận tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng họ dự báo sức tăng trưởng sẽ tăng lên trong nửa cuối năm nay, nhờ các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng của G-20 kết luận: sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại hồi cuối năm 2018 và đầu năm nay, vì các nguyên nhân như thị trường tài chính xáo động, các căng thẳng thương mại gia tăng. 

Theo AP, các nguyên ngân gây ra cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu là do 4 lần tăng lãi suất của FED, việc bán tống bán tháo cổ phần hồi năm 2018, các vấn đề trong ngành xe Đức. 

Nhưng các nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay do FED đi đầu đã giúp khả năng phục hồi sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. FED hồi tháng 3 đã tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản, vì kinh tế Mỹ suy yếu. Các quan chức FED khẳng định sẽ không nâng lãi suất trong năm nay.

Dù vậy, các quan chức vẫn cẩn trọng nhắc các rủi ro vẫn còn, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (giữ chức chủ tịch G-20 năm 2019) nói: “Chúng ta cần đề phòng gia tăng căng thẳng thương mại”, và nói thương mại tự do đã cho phép Nhật Bản và Đức (hai nước bị tàn phá nặng nề nhất sau Thế chiến 2) tái thiết và lại trở thành hai thế lực kinh tế : “Hệ thống thương mại tự do phải được giữ nguyên”.

Ông Aso nói các quan chức tài chính G-20 nhất trí rằng sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nên là tạm thời, khi nào FED và các ngân hàng trung ương khác thực hiện trọn các kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng. Vị Bộ trưởng còn nói các nước G-20 hứa theo đuổi các chính sách hỗ trợ này tại nước họ.

Các nhà kinh tế học của IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ là 3,3% trong năm 2019, hạ so với dự báo của IMF  hồi tháng 1-2019 là 3,6% (bằng với mức tăng trưởng năm 2018). Nhưng IMF cũng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên 3,6% vào năm 2020.

Ông Changyong Rhee, lãnh đạo Vụ châu Á-Thái Bình Dương của IMF nói các thị trường tài chính đang mong chờ một thỏa thuận để kết thúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Ông nói các thị trường này có thể bị giảm nếu hai nước này không thể đạt đến một thỏa thuận.

Ông Rhee còn nói một cuộc hòa bình thương mại Mỹ-Trung “sẽ non yếu”, nếu Mỹ-Trung không thể đạt được một thỏa thuận dài hạn, vốn đòi hỏi Bắc Kinh cải thiện khâu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiến hành cải cách kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm