Tỉ phú Thái gốc Hoa liệu có thâu tóm Vinamilk như Sabeco?

Sau khi chi 5 tỉ USD để sở hữu hơn 53% cổ phần Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tỉ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi tiếp tục đổ tiền vào các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Đơn giản bởi Vinamilk đang nắm giữ khoảng 57 % thị phần sữa Việt Nam.

Tham vọng của tỉ phú với “dòng sữa vàng”

Chính vì vậy thị trường đang dấy lên lời đồn đoán quỹ F&N Dairy Investments (F&N) dưới sự kiểm soát của tỉ phú người Thái Lan gốc hoa Charoen Sirivadhanabhakdi nỗ lực gom cổ phiếu Vinamilk với mục đích thâu tóm khi liên tiếp vung tiền mua “cổ phiếu sữa” hết lần này đến lần khác.

Cụ thể F&N vừa đăng ký mua hơn 14,5 triệu cổ phiếu của Vinamilk nhằm nâng tỉ lệ sở hữu lên 18,31%. Thời gian giao dịch từ ngày 6-6 đến 5-7, được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn chứng khoán.

Trước đó, F&N đã chi khoảng 20 tỉ đồng để mua 130.000 cổ phiếu Vinamilk từ ngày 2 đến 31-5-2018. Sau giao dịch, F&N nắm hơn 251,2 triệu cổ phiếu Vinamilk, tương đương với tỉ lệ sở hữu là 17,31%...

Tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi mới đây tuyên bố các khoản đầu tư vào Vinamilk đã mang lại kết quả kinh doanh rất tốt cho F&N. Ví dụ trong quý II-2018, khoản cổ tức từ Vinamilk đã đóng góp vào thu nhập cho F&N đến 16,2 triệu USD.

Hiện nay cũng chính khoản đầu tư vào Vinamilk đã đưa Việt Nam trở thành thị trường kiếm lợi nhuận tốt thứ hai chỉ sau Thái Lan và xếp trên Singapore, những nơi mà F&N đang đầu tư.

Vinamilk đang nắm giữ thị phần sữa lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh nhỏ:  Tỉ phú người Thái Lan gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi. Ảnh: TL

“Do đó, chúng tôi tiếp tục tăng tỉ lệ sở hữu tại Vinamilk để hiện thực hóa lợi nhuận cao hơn nữa. Đầu tư chiến lược vào Vinamilk giúp F&N giảm sự phụ thuộc vào các thị trường cốt lõi như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Mặt khác, đây là thời điểm rất tốt để đầu tư vào Việt Nam vì dự đoán trong ba năm tới tốc độ tăng trưởng GDP trên 6%, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa mạnh. Các khoản đầu tư vào Vinamilk rất an toàn vì ban điều hành rất giỏi để đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan” - ông Charoen Sirivadhanabhakdi nói.

Những nỗ lực trong việc mua cổ phiếu Vinamilk còn đem lại lợi ích lớn khác là với số cổ phần hiện tại thì F&N đã có hai đại diện làm thành viên trong HĐQT Vinamilk. 

Bò sữa không giống bia

Nhiều chuyên gia cho rằng có lẽ tỉ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch HĐQT F&N, không chỉ tìm kiếm lợi nhuận từ khoản đầu tư vào Vinamilk mà xa hơn đặt mục tiêu thâu tóm công ty có thị phần lớn nhất ngành sữa Việt Nam.

Với vị tỉ phú này, tiền có lẽ là không phải là vấn đề quá lớn khi ông tuyên bố đang có gần 200 triệu USD tiền mặt để chi mua số cổ phiếu Vinamilk nhằm tiếp tục nâng tỉ lệ sở hữu lên 20%.

Tuy nhiên, để thâu tóm được Vinamilk hay không lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Duy Tuân, trước hết đó là giá thị trường, liên tục từ tháng 1-2018 đến nay, tháng nào F&N cũng đăng ký giao dịch mua thêm cổ phiếu Vinamilk. Do điều kiện thị trường không phù hợp, tổ chức này chỉ gom thành công khoảng vài trăm ngàn cổ phiếu sau mỗi lần đăng ký, chiếm khoảng 1%-2% số cổ phiếu muốn mua.

Thứ hai là cổ đông của Vinamilk không “cô đặc”, do nhiều quỹ đầu tư nước ngoài lẫn các công ty lớn khác nắm giữ. Vinamilk là “dòng sữa vàng” và mọi nhà đầu tư đều mong muốn nắm giữ. Trong cuộc chạy đua này không đơn giản là mạnh tiền mà chính là giá trị hợp lý.

Đối thủ của tỉ phú Thái

Hiện nay quỹ F&N là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk nhưng vẫn phải “dòm chừng” Platinum Victory Pte.Ltd, cổ đông lớn thứ ba đang sở hữu gần 10% vốn điều lệ Vinamilk. Chính công ty này đã chi gần 9.000 tỉ đồng để mua nguyên lô 48.333.400 cổ phiếu Vinamilk, tương đương 3,3% tỉ lệ sở hữu mà SCIC bán. Hiện nay, Platinum Victory cũng liên tục chào mua cổ phiếu Vinamilk không thua kém F&N. 

Đặc biệt tại nhiều kỳ đại hội cổ đông thường niên, việc lo ngại bị thâu tóm đã được các cổ đông đặt câu hỏi cho chính bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk. Giải đáp những thắc mắc này, bà Liên cho rằng thương hiệu Vinamilk không thể dễ bị thâu tóm. Thương hiệu Vinamilk đã được xây dựng và phát triển hơn 40 năm với vốn hóa hơn 7 tỉ USD. Nếu nhà đầu tư ngoại muốn mua lại cổ phần của công ty này cũng phải giữ thương hiệu, họ không thể bỏ thương hiệu này đi.

“Vinamilk đang mong muốn trở thành một doanh nghiệp đa quốc gia nên cổ đông không nên lo ngại về việc mất thương hiệu sau khi có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại” - bà Liên lưu ý.

Theo giới phân tích, để có thể chiếm tỉ lệ sở hữu trên 51%, F&N chỉ còn cách mua lại toàn bộ số cổ phiếu mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang sở hữu là 36% và cũng là đơn vị đại diện vốn nhà nước ở Vinamilk. Song vị đại diện phần vốn SCIC tại Vinamilk cho biết kế hoạch thoái vốn đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhưng đang chờ kết quả. Hơn nữa, dù Chính phủ từng tuyên bố “Nhà nước không đi bán bia, không đi bán sữa” nhưng với vốn Nhà nước tại Vinamilk vẫn ở mức 36% đủ để SCIC đảm bảo khả năng phủ quyết.

Chính vì thế, đến thời điểm này tỉ phú Thái Lan chỉ có thể xem Vinamilk là công ty liên kết và tận hưởng quả ngọt từ các khoản chia cổ tức khá tốt chứ chưa thể chi phối như ở Bia Sài Gòn.

Tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi không quá xa lạ với giới đầu tư Việt Nam. Ông không chỉ là người chi bạo tiền mua cổ phần Sabeco, mà đã đầu tư rất nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam với hàng chục khoản đầu tư lớn nhỏ trên rất nhiều lĩnh vực từ phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống đến bất động sản.

Ví dụ, Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL) của ông Charoen mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Phát triển nhà G Homes, thành viên Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Anh Dương Thảo Điền (HAR).  Vị tỉ phú này cũng thông qua Tập đoàn TCC Holdings đã hoàn tất thương vụ thâu tóm hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với giá hơn 879 triệu USD và đổi tên thành MM Mega Market... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm