Thủ lĩnh tài chính G-20 kéo quân đến Mỹ, bàn chuyện nóng

Ngày 12-4, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda nói hội nghị sẽ bàn các cách cổ động thương mại tự do vì sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Ông dẫn việc chiến tranh thuế Mỹ-Trung Quốc và vụ Brexit (Anh rời khỏi châu Âu) để khẳng định sự bất ổn vẫn có trong nền kinh tế thế giới ổn định.

Ông Kuroda hy vọng các cuộc đàm phán Mỹ-Trung sẽ đạt đến một thỏa thuận thương mại để kết thúc cuộc chiến tranh thuế giữa hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới: “Các động thái bảo hộ này sẽ không là điểm cộng cho mỗi bên”.

Vị thống đốc còn nói thương mại tự do theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã góp phần đáng kể cho sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu: “Tất cả các nước thành viên G-20, gồm cả Mỹ-Trung, cần có nhiều nỗ lực cho mục đích này”.   

Ông Kuroda còn nói dù kinh tế Trung Quốc và châu Âu giảm tốc, kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ nửa cuối năm 2019, trước khi tăng cao hơn nữa trong năm 2020.

Tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại hạ thấp dự báo sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019, vì các rủi ro như căng thẳng thương mại gia tăng, cùng việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) siết chặt chính sách tiền tệ. Các nhà kinh tế học của IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ là 3,3% trong năm 2018, hạ so với dự báo của IMF hồi tháng 1-2019 là 3,6% (bằng với mức tăng trưởng năm 2018). Nhưng IMF cũng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên 3,6% vào năm 2020.

IMF còn dự báo sức tăng trưởng thương mại thế giới sẽ tụt xuống còn 3,4%  trong năm 2019, giảm mạnh so với 4% mà IMF kỳ vọng hồi đầu năm nay, và so với sức tăng trưởng thương mại 3,8% năm 2018. Nhưng IMF nói sức tăng trưởng thương mại năm 2020 sẽ là 3,9%.

Ngày 11-4, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nói dù IMF dự báo sức tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2019, nhưng dự báo này chỉ là “bấp bênh và chịu rủi ro tụt giảm” khi căng thẳng thương mại gia tăng là mối đe dọa hàng đầu.

Nói chuyện tại một cuộc họp báo, bà Lagarde nói khi các quan chức dự hội nghị mùa xuân 2018 do IMF và WB tổ chức, 75% kinh tế toàn cầu đang hưởng một sự thăng tiến đồng bộ, nhưng nay, 70% kinh tế toàn cầu bị giảm tốc tăng trưởng.

Bà nói dù IMF dự báo sự phục hồi tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2020, nhiều rủi ro có thể làm chệch dự báo này. Các rủi ro gồm không giải quyết được các căng thẳng thương mại, từng quốc gia phải gánh nợ cao, các thất bại chính trị-kinh tế, ví dụ không thể có chuyện Brexit.

Bà Lagarde nói: “Chúng ta đang ở trong thời khắc nhạy cảm”.

Ở cuộc gặp của các quan chức tài chính G-20, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ đại diện Mỹ.

Dự kiến hôm 14-4, ông Mnuchin sẽ nói với ủy ban chính sách của IMF rằng Mỹ tin tưởng IMF “đủ nguồn lực thực hiện cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho các nước lâm khủng hoảng tài chính, và Mỹ nhận định hiện không cần nâng định mức tiền mà 189 quốc gia thành viên đóng góp cho quỹ hoạt động của IMF. Trong ngày bế mạc này có cuộc họp của các bộ phận hoạch định chính sách của WB và IMF.

Cuộc gặp của các quan chức tài chính gồm các cuộc nói chuyện hôm 11 và 12-4 của các bộ trưởng tài chính G-20 (đại diện các nền kinh tế lớn nhất thế giới) cũng sẽ lập chương trình cho hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka (Nhật Bản) dự kiến có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các nước khác vào các ngày 28, 29-6 tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm