Tân chủ tịch WB đòi Trung Quốc phải minh bạch khi cho vay

Nói chuyện với hãng tin CNBC trong lần đầu xuất hiện ở vị trí Chủ tịch WB, ông Malpass nói trên thế giới đang xảy ra tình trạng nợ quá cao, và Trung Quốc là lý do lớn: “Có những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, về cách bạn có những dự án minh bạch và có chất lượng cao, nơi mà vấn đề nợ cũng phải minh bạch. Trung Quốc hành động quá nhanh ở một vài nơi bị nợ cao trên thế giới. Đó là vài điều chúng tôi có thể làm việc với Trung Quốc”. 

Trung Quốc đã cho các nước khác vay hàng ngàn tỉ USD, kể cả Mỹ cũng là con nợ. Hồi tháng 1-2019, Trung Quốc sở hữu 1,2 ngàn tỉ USD trong kho bạc Mỹ, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ.

Ông Malpass là người chỉ trích kịch liệt nỗ lực cho vay của Trung Quốc, nhằm xúc tiến chương trình cơ sở hạ tầng Một Vành Đai Một Con Đường ở châu Á, châu Âu và châu Phi.

Năm 2018, ông nói các khoản cho vay này khiến các nước yếu nghèo “bị nợ nặng và có những dự án kém chất lượng”. 

Ngày 11-4, ông Malpass nêu Trung Quốc đang sẵn sàng kéo giảm các nỗ lực này: “Họ muốn thấy một quan hệ tốt hơn với các nước khác và tham gia vào hệ thống của thế giới. Tôi hy vọng sẽ thành công trong việc này và có quan hệ tốt với Trung Quốc”.

Nhà lãnh đạo WB còn chỉ trích dù Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Trung Quốc lại vay tiền lãi suất thấp của WB, vượt quá ngưỡng thu nhập của WB từ các khoản vay lãi suất thấp trong năm 2016.

Ông Malpass nói: “Trung Quốc đã thừa nhận cần phải giảm giữ vai trò người đi vay WB”, đồng thời lưu ý WB đã giảm cho Trung Quốc vay, và ông hy vọng điều này sẽ tiếp tục trong ba năm tới.

Ông nói thêm rằng đã có 17 quốc gia châu Phi có nguy cơ bị nợ ngập đầu: “Con số này đang tăng khi có thêm các hợp đồng mới và không minh bạch”.

Ông Malpass nói nợ có thể giúp các nước nghèo cải thiện thành tựu kinh tế, nhưng nếu không minh bạch thì nó cũng kéo lùi sức tăng trưởng.

Theo báo Guardian (Anh), Bắc Kinh đang tăng tầm ảnh hưởng ở châu Phi, bằng cách cho chính phủ các nước ở châu lục này vay thật nhiều tiền để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng mà không có ràng buộc chính trị.

Nhưng cả WB lẫn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều lo ngại nguy cơ tham nhũng nặng và nợ trầm trọng. 

Ông Malpass còn nói kinh tế toàn cầu chậm lại suốt năm 2018 đã tác động mạnh nhất đến người dân ở các nước nghèo nhất thế giới, và ông cảnh báo một thất bại trong việc cải thiện tiêu chuẩn đời sống sẽ gây nguy hiểm cho mục tiêu xóa bỏ sự cực nghèo.

Ông nói: “Theo xu hướng hiện nay, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở vùng cận sa mạc Sahara hiện được dự đoán ở mức dưới 1% cho đến ít nhất là năm 2021, điều này làm tăng nguy cơ nghèo đói tập trung cao hơn ở lục địa này. Thực tế này vô cùng rắc rối, bởi vì nó gây nguy hiểm cho mục tiêu chính của WB về việc chấm dứt nghèo đói cùng cực vào năm 2030”.

Ông Malpass cũng nói số người cực nghèo - là những người kiếm chưa được 1, 90 USD/ngày- đã giảm 700 triệu người trên toàn cầu trong lần thăm dò mới nhất, nhưng số này lại tăng ở vùng cận sa mạc Sahara.

Ông nói: “Đến năm 2030, gần 9/10 người cực nghèo sẽ là người châu Phi, và một nửa số người nghèo của thế giới sẽ sống trong những môi trường mong manh và bị ảnh hưởng bởi xung đột”.

Bà Christine Lagarde, giám đốc IMF, nói bất kỳ nỗ lực xử lý một cuộc khủng hoảng nợ mới nào sẽ rất phức tạp, khi có quá nhiều cho vay  mới trong 10 năm qua. Cả khoản cho vay của chính phủ và các nhà cho vay tư nhân Trung Quốc cũng tăng lên trong vài năm gần đây.

IMF ước tính 40 % các nước có thu nhập thấp đang có nguy cơ cao bị nợ nặng, sau khi vay tiền ồ ạt lúc lãi suất toàn cầu hạ thấp và giá tiêu dùng cao. 

Bà Lagarde nói: “WB và IMF đang phối hợp nhằm tạo ra minh bạch hơn, cùng khả năng xác định nợ tốt hơn”.

Bà nhấn mạnh điều quan trọng là phải biết các điều khoản và điều kiện kèm theo khi cho vay, qui mô của các khoản vay và thời gian trả nợ vay.

Liên minh Nợ Jubilee (Anh) chuyên xác minh nợ của các nước đang phát triển, đã tính toán khoản trả nợ vay của các nước nghèo nhất thế giới đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 và hiện ở mức cao nhất, kể từ ngay trước khi khối quốc gia G8 có thỏa thuận xóa nợ khi khối này dự hội nghị thượng đỉnh năm 2005.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm