Tá hỏa vì vàng nữ trang hao mòn... quá nhanh

Mới đây, chị P.L, khách hàng mua một bộ vòng đeo tay (xi-men) tại một tiệm vàng và cầm đồ ở Long An chia sẻ câu chuyện “hao vàng” khiến nhiều người tá hỏa.

Khi bên mua nắm đằng lưỡi

Chuyện là vào ngày 20-9-2018, chị L mua 37 chiếc vòng xi-men tại tiệm vàng K với trọng lượng là 2 lượng 9,1 chỉ giá là 66.215.000 đồng. Đến ngày 12-9-2020 chị L đến tiệm này để bán lại.

Sau khi tiệm xử lý và đem lên cân lại thì bộ xi-men có trọng lượng là 2 lượng 6, 24 chỉ và thâu lại với số tiền 80.032.000 đồng (do hiện nay giá vàng tăng cao so với lúc mua). Lúc này chị L thắc mắc là vàng của chị bị mất gần 3 chỉ (chính xác là 2 chỉ 7,7 phân).

Giải thích về vàng bị hao mòn với tốc độ kinh hoàng như vậy, đại diện tiệm vàng K cho biết: Vòng xi-men hao mòn nhiều hay ít tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như trọng lượng vàng, số lượng vòng, thời gian sử dụng và tính chất đặc thù công việc của người đeo. Trung bình, lượng hao mòn của 1 chiếc vòng xi-men trong 2 năm sẽ dao động từ 4~8li/1 chiếc.

Do đó, khách hàng đeo bao nhiêu chiếc số lượng hao hụt sẽ nhân lên bấy nhiêu lần, có nghĩa càng đeo nhiều vòng số lượng hao mòn sẽ càng nhiều.

Công việc của chị L là phải tiếp xúc với các sản phẩm làm đẹp trong đó có các hóa chất dễ ăn mòn vàng và thời gian sử dụng là 24/24 trong suốt gần 2 năm làm cho vàng phải hàng ngày tiếp xúc với các loại sản phẩm khi làm việc nhà và các loại tẩy rửa khác trong sinh hoạt.

"Với số lượng là 37 chiếc, tính trung bình 1 chiếc có trọng lượng từ 7 – 8 phân vàng, nặng hơn các bộ vòng xi-men thông thường. Như vậy đối với trường hợp này số lượng vòng nhiều hơn, trọng lượng vàng nặng hơn làm cho vàng hao mòn diễn ra nhiều hơn so với những người đeo ít vòng hơn”, tiệm vàng K nhận định.

Tuy nhiên, chị L khẳng định mình mới bán mỹ phẩm gần đây và do vậy không đồng tình với cách giải thích của tiệm vàng khi cho rằng bộ vòng xi-men bị hao mòn do tiếp xúc với mỹ phẩm.

Tương tự, chị Hoàng ở quận Tân Phú, TP.HCM mới đây cũng chia sẻ: Bộ vòng xi-men của chi lúc mua gồm 7 chiếc, trọng lượng vàng trên tem ghi là 5 và chị không yêu cầu tiệm cân lại. Nay đem ra bán 7 chiếc thì tiệm cân lên chỉ còn 3,8 chỉ.

"Tôi cũng thắc mắc là tại sao tôi rất hiếm khi đeo bộ vòng này mà lại hao tới 1,2 chỉ vàng, tiệm vàng lại nói sau khi mua vài ngày thì tôi đã đổi sang bộ này. Tuy nhiên, tôi khẳng định từ lúc mua tới giờ rất ít đeo và chưa từng đi đổi sang bộ khác.

Lúc mua giá niêm yết tại tiệm là 2.920.000 đồng/chỉ, cộng thêm tiền công là 550.000 đồng, tôi bỏ ra 14.890.000 đồng để mua bộ vòng này. Giờ giá bán lên cao hơn nhưng do vàng “bốc hơi” tới 1,2 chỉ nên tính ra tôi vẫn bị lỗ khoảng 400.000 đồng", chị Hoàng kể.

Chị Hoàng cũng cho rằng số tiền này không nhiều nhưng nó cho chị một bài học kinh nghiệm quá lớn về việc mua vàng thì nhất định phải yêu cầu tiệm cân lại và ghi rõ trọng lượng cân vào biên nhận để khẳng định trọng lượng trên tem là hoàn toàn chính xác.

Không có chuyện hao mòn vô lý như vậy

Chủ một tiệm vàng kinh doanh có uy tín tại TP.HCM cho hay, trong mấy chục năm kinh doanh vàng nữ trang thì chưa bao giờ gặp trường hợp nào mà bộ vòng xi-men lại bị hao mòn nhiều và nhanh tới vậy. Việc hao mòn đối với vàng thì chắc chắn có nhưng độ hao mòn rất thấp, không đáng kể.

"Trong 2 trường hợp kể trên, sai có phần thuộc về khách hàng vì họ đã quá chủ quan khi mua mà không yêu cầu tiệm cân lại, đồng thời ký xác nhận về trọng lượng thực tế và trọng lượng ghi trên tem là hoàn toàn trùng khớp. Bởi đây là cơ sở xác thực để sau này khi có xảy ra rủi ro thì khách hàng có quyền tố cách làm ăn gian dối của tiệm vàng", vị chủ tiệm vàng này khẳng định.  

Trong khi đó, anh Mạnh- thợ kim hoàn cho biết: Thực ra, ai đã xác định sống chết với nghề kinh doanh vàng bạc thì họ đều phải đặt yếu tố chữ tín lên hàng đầu và uy tín là việc xây dựng cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Nên khó có khả năng mà tiệm vàng cố tình ăn gian để bán được hàng, kiếm lời.

"Về việc hao mòn của vàng thì xi-men có độ ma sát bào mòn cao hơn so với dây chuyền, bông tai. Nhiều người đeo, khi thấy vòng kém sáng thì lấy bàn chải chà mạnh cho bóng loáng luôn. Thậm chí, có người đeo bộ vòng tới mức móp méo, đất đóng cục luôn mà ra tiệm thu đổi cứ kêu sao bị hao hòn nhiều rồi còn bảo mình ít đeo, ít làm việc...", anh Mạnh kể.

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Kim mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, các thành viên của hội trên địa bàn hiện nay khoảng 1.700 hội viên. Trong đó có khoảng 800 cơ sở sản xuất, gia công, còn lại là các đơn vị dịch vụ, buôn bán.

Đối với 2 trường hợp vàng hao hụt như trên thì ông cho rằng có thể nhân viên khi in tem đã ghi sai trọng lượng hoặc gắn nhầm tem của sản phẩm này cho sản phẩm khác và dẫn đến rủi ro mà khách hàng phải chịu. Đồng thời người mua cũng chủ quan không yêu cầu tiệm vàng cân lại.

Hơn nữa, chuyện đeo vàng đương nhiên là có hư hao, nhưng bộ vòng xi-men đeo 2 năm mà hao hụt tới 2,7 chỉ vàng thì không thể có chuyện đó xảy ra.

"Do đó, để tránh rủi ro, khi mua sản phẩm vàng nữ trang tại bất kỳ tiệm vàng nào, khách hàng cũng nên yêu cầu tiệm cân lại để xác nhận các thông tin ghi trên tem là trùng khớp. Thậm chí cả hai cùng xác nhận vào hóa đơn về trọng lượng vàng, tuổi vàng để đảm bảo an toàn cho cả hai bên”, ông Dưng khuyến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm