Phần mềm của cô gái Việt hút cả chục triệu USD

Elsa là tên viết tắt của nền tảng English Language Speech Assitant, cho phép người dùng học nói tiếng Anh bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu, cộng với công nghệ xác minh giọng nói hiện đại.

Nó còn được gọi là nền tảng Elsa Speak, sử dụng hai công nghệ AI và xác minh giọng nói, để dạy người học sinh cách nói tiếng Anh giọng Mỹ. Sau khi biết trình độ của người học, nền tảng sẽ lên kế hoạch giảng dạy.

Nền tảng dạy nói tiếng Anh của Elsa chính từ trải nghiệm của Vu Van

Không như các nền tảng dạy tiếng nước ngoài để tạo vốn liếng văn phạm, cải thiện ngữ pháp hoặc hướng dẫn các kỹ năng sống, Elsa Speak chú trọng vào cách phát âm tiếng Anh, thường là điểm yếu nhất của học sinh.  

Binh Tran, giám đốc đối tác của quỹ đầu tư 500 Khởi nghiệp Việt Nam (500 Startups Vietnam) nói: “Tôi cho rằng Elsa có thể nhanh chóng trở thành hàng đầu thế giới trong việc giải quyết thách thức lớn nhất của người học tiếng Anh”.

Tran nói thêm rằng trên thế giới có 1,5 tỉ người học tiếng Anh, và con số này ngày càng tăng lên.  

Tác giả nền tảng Elsa Speak là Vu Van, đồng sáng lập và tổng giám đốc của công ty khởi nghiệp Elsa vốn được lập năm 2015.

Cô nói Elsa Speak chỉ tốn vài USD/tháng, tạo ra một trải nghiệm giống như có thầy dạy kèm, tương tự được dạy nói trực tiếp mà không phải trả số tiền công dạy kèm “lớn đến phải trợn mắt” vốn thường tốn từ 150 đến 250 USD/giờ.

Vu Van nói: “Các thầy dạy nói rất có ích, nhưng cũng rất đắt tiền. Thế nên tôi đã nghĩ: “Sao mình không thể bắt chước cách dạy nói này để giúp hàng triệu người trên thế giới nhỉ ?“.

Vu Van còn cho biết cảm hứng lập Elsa Speak dựa trên chính trải nghiệm của mình: dù ra đời và lớn lên ở Việt Nam, cô rất thích học tiếng Anh. Sự tự tin về tiếng Anh của cô càng phát triển, sau khi cô làm việc cho ông hậu cần Maersk ở Việt Nam và Đan Mạch. Nhưng khi qua Mỹ năm 2009 để lấy bằng MBA về giáo dục ở Đại học Stanford, sự tự tin ấy tan vỡ, do người nghe không thể hiểu cô nói gì, vì cô nói sai giọng.

Hiện Vu Van nói tiếng Anh mượt mà, nhưng cô từng một thời chật vật với cách phát âm tiếng Anh của cô, thường phải nói lại điều đã nói cho người nghe hiểu ý cô muốn nói, điều khiến cô “cảm thấy bối rối cho đến khi cô mất hết sự tin tưởng vào kỹ năng nói tiếng Anh của mình: “Khi tôi đến đây, đó là lần đầu tiên tôi nhận ra khi tôi nói, người nghe không hiểu tôi nói gì”.

Nhiều người ở châu Á chia sẻ trải nghiệm của Vu Van, vì đa số người châu Á chưa bao giờ giao tiếp với người nói tiếng Anh chuẩn. Tại Việt Nam, thị trường lớn nhất của Elsa, có hơn 2 triệu người sử dụng Elsa Speak. Nền tảng này cũng có những thị trường lớn ở Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ và vài nước Nam Mỹ.

Vu Van cho biết là một phụ nữ mà không có tri thức kỹ thuật nào cả, là cả một thách thức khi cô khởi lập Elsa: “Câu hỏi đầu tiên mà các nhà đầu tư luôn hỏi, là liệu tôi có thể lập một nhóm xây dựng nên một công nghệ hiện đại mà chưa ai từng làm, vì tôi không là một chuyên viên trong lĩnh vực này. Là nhà nữ sáng lập cũng khiến các nhà đầu tư truyền thông nghi ngại, vì họ luôn có thái độ kỳ thị đối với chúng tôi”.

Nhưng tấm bằng MBA ở đại học Stanford và sự giúp đỡ của các giáo sư, bạn học cũ đã có ích. Họ giúp cô gặp các nhà đầu tư, và một bạn học có khiến thức kỹ thuật đã làm việc với Vu Van để phát triển bản demo của Elsa Speak.

Đến cuối năm 2015 thì cô tìm được chuyên viên công nghệ trưởng, và lấy anh làm chồng. Hai người hiện chờ có con.

Nền tảng học tiếng Anh Elsa trên điện thoại di động - Ảnh: Nikkei Asian Review

Khởi nghiệp Việt Nam nhiều hàng thứ ba ở Đông Nam Á

Khởi nghiệp Elsa đặt trụ sở ở Thung lũng Silicon, nơi Vu Van chia sẻ văn phòng với một khởi nghiệp khác có Gradient Ventures hỗ trợ. Gradient là quỹ đầu tư mạo hiểm vào mảng AI của Google.

Vì công ty mới được 3 tuổi, Vu Van nói Elsa chưa có nguồn thu lớn, nhưng tương lai lại rất sáng, vì khối lượng người đăng ký sử dụng Elsa Speak tăng gấp ba lần từ năm 2017 đến năm 2018.

Theo báo Nikkei Asian Review, các nhà đầu tư đang dồn rất nhiều tiền vào các công ty khởi nghiệp đặt trụ sở ở Việt Nam hoặc do người Việt Nam lãnh đạo, mà Elsa là một trong những khởi nghiệp hút vốn đầu tư mạnh nhất.

Tính cho đến nay, Elsa hút được 12 triệu USD vốn đầu tư, nhờ nền tảng Elsa Speak vốn đã có 4 triệu người dùng ở 100 quốc gia, từ khi nền tảng này được tung ra năm 2016.

Hồi tháng 3-2019, Elsa đã quyên được đã 7 triệu USD tiền vốn đầu tư, gồm của Gradient.

Cũng theo báo Nikkei Asian Review, Việt Nam hiện chiếm hạng ba trong số quốc gia Đông Nam Á có nhiều công ty khởi nghiệp.

Theo Hiệp hội Quỹ đầu tư mạo hiểm – Cổ phần tư nhân Singapore, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư 172 triệu USD vào các khởi nghiệp Việt Nam hồi năm 2018, tăng 35% so với năm 2017. Trong số đó có  500 Khởi nghiệp Việt Nam và Monk's Hill Ventures. Hai quỹ này đều đầu tư vào Elsa.

Binh Tran của 500 Khởi nghiệp Việt Nam nói: “Với hầu như không chi một USD nào để tiếp thị, Esla đã có 4 triệu lượt người dùng trên toàn thế giới, nên tôi nghĩ đó là một thành công lớn”.

Binh Tran lưu ý thị trường nền tảng học tiếng Anh rất đông, và Elsa Speak đang phải cạnh tranh với những đối thủ đã có tên tuổi như Duolingo, Rosetta Stone và English Central.

Nhưng công nghệ xác minh giọng nói và AI của Elsa Speak “thì hiệu quả đến khó tin, khiến khó thể nhái các công nghệ của họ. Theo như tôi biết, rất ít công ty có thể chào bán công nghệ huấn luyện kỹ năng dựa trên công nghệ xác minh giọng nói này”.

Khát vọng vươn tầm toàn cầu của Elsa

Với uy tín có được ở Thung lũng Silicon, Elsa đã thu hút tài năng khắp thế giới, gồm một người Tây Ban Nha là người đồng sáng lập và đồng tổng giám đốc của công ty.

Vu Van nói người này là một nhà khoa học rất được tôn trọng, có nhiều kinh nghiệm về công nghệ xác minh giọng nói và Ai.

Vì khát vọng vươn đến toàn cầu của Elsa, cô để vị đồng giám đốc làm việc ở Lisbon (Bồ Đào Nha), gần với gia đình ông và với các kỹ sư của công ty: “Chúng tôi đặt văn phòng ở Lisbon là chuyện tình cờ... nhưng là điều hay nhất vì chúng tôi có những kỹ sư giỏi”.

Vu Van còn nói tài năng ở Bồ Đào Nha nhận tiền lương rẻ hơn so với ở Thung lũng Silicon, nơi mà cô phải cạnh tranh với Google, Facebook, và Amazon để thuê người giỏi mảng AI và công nghệ xác minh giọng nói.

Vu Van nay nhắm vào mảng giáo dục, nói Elsa đang làm việc với các nhà giáo và trường học ở Việt Nam để áp dụng nền tảng vào các môn học.

Cô cũng muốn kết nối với các công ty để lập các chương trình dạy tiếng Anh ở nhà.

Van cho rằng nền tảng Elsa Speak có thể cải thiện cuộc sống của người nói tiếng Anh không có gốc Anh: “Chúng tôi tin khi họ nói giỏi tiếng Anh, thu nhập của họ tăng lên đáng kể. Chất lượng cuộc sống của họ tăng lên và có thêm nhiều cơ hội mở với họi”.   

Ngoài văn phòng ở Mỹ và Việt Nam, Elsa cũng tính mở rộng ở Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm