Ông lớn Việt dồn dập 'rủ nhau' xuất ngoại làm ăn

Tuy nhiên, đây không phải là cuộc chơi đơn giản vì có nhiều rủi ro và không dễ nắm bắt thị trường.

Vươn ra biển lớn

Với tông màu chủ đạo là màu vàng, không gian lớn, mặt hàng đa dạng, trình bày sản phẩm đẹp mắt là cách thức mà Thế Giới Di Động muốn đưa những trải nghiệm khó quên cho người dân Campuchia.

“Các giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu Thế Giới Di Động tại Việt Nam đều được truyền tải đầy đủ tại thị trường Campuchia” - ông Hồ Viết Đông, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Big Phone của Thế Giới Di Động tại Campuchia, chia sẻ.

Thực tế, Thế Giới Di Động muốn triển khai kinh doanh cùng lúc tại ba thị trường gồm Campuchia, Lào và Myanmar. Tuy nhiên, vì Lào và Myanmar chưa mở cửa cho các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường nên Campuchia trở thành thị trường nước ngoài đầu tiên của công ty.

“Thế Giới Di Động đem mô hình đã vận hành thành công tại Việt Nam vào thị trường Campuchia. Khách hàng được tận hưởng nhiều giá trị mua sắm mà họ chưa từng cảm nhận được, như mua điện thoại gặp sự cố kỹ thuật sẽ được đổi trả trong vòng một tháng, được cài đặt các ứng dụng miễn phí… Bằng cách làm này, chúng tôi muốn dịch chuyển hành vi tiêu dùng từ chỉ quan tâm đến giá cả điện thoại sang chú trọng nhiều hơn về dịch vụ“ - ông Đông nói.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cuối năm ngoái đã ký kết hợp tác với công ty xây dựng lớn thứ hai tại Kuwait là United Guft Construction Company (UGCC) thi công gói thầu bê tông cốt thép trong một phần của dự án lọc dầu Al Zour Refinery Project của chính phủ Kuwait, với giá trị trúng thầu 20 triệu USD (450 tỉ đồng). Đây là dự án lọc dầu có quy mô lớn nhất Kuwait với tổng trị giá đầu tư khoảng 30 tỉ USD. 

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Bình, công ty đang nhìn thị trường xây dựng nước ngoài là cột mốc mới để đạt được thương hiệu mang tính quốc tế vì Hòa Bình đang có những lợi thế rất lớn như sự am hiểu ngành, kinh nghiệm làm việc với chủ đầu tư quốc tế lâu năm, trình độ thi công đã đạt cấp độ quốc tế, sở hữu đội ngũ nhân lực trong nước giỏi chuyên môn. Các yếu tố này sẽ giúp Hòa Bình đưa ra giá thầu rẻ hơn để tăng lợi thế cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo biên lợi nhuận tốt.

Ông Lê Viết Hải cho biết: “Hòa Bình là công ty có quan hệ hợp tác tốt và chặt chẽ với nhiều đối tác nước ngoài nên có khả năng thay thế các nhà thầu Hàn Quốc và Trung Quốc trên thị trường xây dựng nước ngoài. Hòa Bình cũng sẽ làm tổng thầu cho các dự án nước ngoài, tương tự thị trường trong nước vốn là lợi thế Hòa Bình từ lâu”.

Thị trường nước ngoài đang được ông Hải kỳ vọng đem lại biên lợi nhuận gộp tối thiểu đạt 20%-25%, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng trong nước và là triển vọng rất sáng sủa cho những doanh nghiệp xây dựng tiên phong như Hòa Bình.  

Là một ông lớn trong ngành dầu khí, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) rất có thế mạnh là nhà dịch vụ khoan thăm dò cho nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới. Chẳng hạn, trong năm 2017, PVD ký được hợp đồng với Rosneft, một trong những công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với tổng giá trị 42 triệu USD. PVD cũng đã từng thắng thầu trước nhiều công ty tên tuổi để giành lấy hợp đồng dịch vụ khoan tại Myanmar do Total làm chủ đầu tư.

Ông Đỗ Văn Khạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVD, cho biết công ty đang tập trung các nỗ lực triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thị trường quốc tế. PVD hoàn toàn có năng lực đáp ứng. Hiện nay, các giàn khoan của PVD đều sử dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới về khoan thăm dò. Một trong những lợi thế kinh doanh khác là các giàn khoan của PVD luôn hoạt động an toàn và đạt hiệu suất rất cao (98%-99%).

 Hòa Bình đang vươn mạnh đầu tư ra nước ngoài. Ảnh minh họa

Vẫn có rủi ro

Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức cho Thế Giới Di Động tại thị trường Campuchia. Theo ông Đông, thuế là rào cản lớn nhất cho việc kinh doanh của công ty. Hầu hết các cửa hàng nhỏ lẻ đều bán hàng không có thuế nhưng mỗi sản phẩm mà cửa hàng Big Phone bán ra gánh đến 15% giá trị thuế (10% thuế VAT và 5% thuế nhập khẩu). Rõ ràng việc cạnh tranh về giá giữa Big Phone và các đối thủ khác chênh lệch khá lớn.

Mặt khác, do đem toàn bộ tiêu chuẩn thiết lập mặt bằng bán lẻ - vốn đã từng vận hành thành công tại Việt Nam - cũng khiến Thế Giới Di Động gặp nhiều khó khăn vì giá thuê rất cao và không có nhiều con đường phù hợp với tiêu chuẩn đặt ra.

Theo ông Đông, sau khi đưa số lượng cửa hàng lên con số 10 thì Thế Giới Di Động sẽ dừng mở rộng để đo lường, tính toán các chỉ số kinh doanh, hoạch định lại chiến lược mới có quyết định đầu tư lâu dài ở một mức độ lớn và nhanh như thế nào.

Tập đoàn Viettel, đơn vị đã đầu tư có lãi tại nhiều thị trường nước ngoài, tuy nhiên ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc, cũng nhìn nhận khó khăn và nguy cơ rủi ro đối với Viettel khi đầu tư ra nước ngoài là tình hình chính trị, là sự khác biệt về văn hóa tiêu dùng và thị hiếu của khách hàng về sản phẩm khác với người Việt.

Ngoài ra còn phải cạnh tranh với những đối thủ đã có kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài lâu năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm