Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Danh sách những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2018 do mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Intage vừa công bố dựa trên khảo sát đo lường trên 674 doanh nghiêp thuộc 24 ngành nghề với sự tham gia của 75.481 người đi làm có kinh nghiệm cho thấy:

Vinamilk tiếp tục được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam - năm thứ 2 dẫn đầu hạng mục này. Tiếp đến là Vietcombank, Nestlé Việt nam, Samsung Vina Electronics...

Ở hạng mục nơi làm việc tốt nhất theo ngành nghề, khá nhiều công ty hai năm liền giữ vững danh hiệu như Cargill Việt Nam (nông ngư nghiệp), KPMG Việt Nam (dịch vụ tài chính), Vingroup...

Bảng xếp hạng năm nay cũng chứng kiến sự thăng hạng mạnh của nhiều công ty như Techcombank, DHSH Việt Nam, PNJ, Schneider Electric, Piaggio Việt Nam, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Suntory PepsiCo Việt Nam, Highlands Coffee,...

Cùng với top 100 nơi làm việc tốt nhất, năm nay, nghiên cứu trên còn đưa ra top 50 doanh nghiệp Việt có thượng hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn như: Chứng khoán Bảo Việt, Vinasoy, Công ty cổ phần Sài Gòn Foods, Tập đoàn Đất Xanh, Tập đoàn Hưng Thịnh...

Cộng đồng nhân sự thu hút 650 CEO, giám đốc nhân sự các công ty hàng đầu tại Việt Nam, tham dự chia sẻ kinh nghiệm quản trị nhân sự. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Võ Tấn Thành, Phó Chủ tịch Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giác cao sáng kiến của kết quả khảo sát về thương hiệu nhà tuyển dụng. Đồng thời số liệu này cũng rất quan trọng đối với cộng đồng nhân sự Việt Nam, trong đó cập nhật mới nhất về xu hướng nhân sự hiện nay. Số liệu này không chỉ đơn thuần phục vụ cho hoạt động nhân sự tại các doanh nghiệp mà còn giúp cho công tác phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Tại lễ vinh danh những nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam, bà Thanh Nguyễn- Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe, chia sẻ để có những chuyển hóa về kinh doanh, các doanh nghiệp phải chuyển hóa căn bản về động lực của nguồn nhân lực.

Điều này dễ thực hiện được nếu chúng ta hiểu sâu hơn về khoa học và thay đổi quyết liệt từ cấp độ tổ chức, cấp độ lãnh đạo và cá nhân. Để tạo hệ sinh thái nhân tài bền vững, chúng ta còn phải khơi gợi động lực tự thân ở cấp độ xã hội hóa hơn nữa. Nếu mình làm tốt nhưng doanh nghiệp vì thiếu nhân tài mà vẫn liên tục sử dụng các giá trị ngoại hiện (thích ổn định, thực dụng và mê danh tiếng) để cạnh tranh thì vòng luẩn quẩn thất thoát nhân tài sẽ mãi không dừng lại.

Để hạn chế thất thoát nhân tài, theo bà Thanh Nguyễn, lương thưởng, chức vụ, văn phòng đẹp, công ty danh tiếng là bốn yếu tố then chốt tác động tới quyết định của nhân sự.

Ngoài ra năm yếu tố nâng tầm động lực khác cũng có tác động tới nhân sự muốn ở lại với công ty như: sức khỏe tinh thần, tự chủ, năng lực, kết nối và ý nghĩa. Do đó, nếu đáp ứng được những tiêu chí trên thì việc giữ chân nhân tài sẽ dễ dàng hơn với doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm