Nhiều ngân hàng mắc kẹt hàng ngàn tỉ đồng tại Tisco

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố hình sự, bắt tạm giam 5 nguyên lãnh đạo thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) và Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Không có ngân hàng nào đồng ý giải ngân

Trước đó ngày 20-2-2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra "Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên". Dự án được triển khai từ năm 2007 nhưng đến nay các hạng mục dự án chưa hoàn thành.

Dự án này có tổng mức đầu tư dự tính ban đầu gần 3.844 tỉ đồng và dự toán điều chỉnh được phê duyệt là hơn 8.105 tỉ. Hiện, không có ngân hàng nào đồng ý giải ngân thêm cho dự án.

Tisco ghi nhận chi phí xây dựng dở dang cho dự án cải tạo gang thép giai đoạn 2 hơn 5.100 tỉ đồng.

Theo hồ sơ, có hai ngân hàng là chủ nợ của Gang thép Thái Nguyên với số số tiền hơn 3.000 tỉ đồng cho vay cho dự án cải tạo giai đoạn 2 được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay!

Hiện, chi phí lãi vay cho dự án trên được ghi nhận tại chi phí lãi phải trả dài hạn, với giá trị tính đến cuối năm 2018 vào khoảng 928,5 tỉ đồng, tăng hơn 35% so với năm ngoái. Được biết, đối với các khoản chi phí lãi vay dự án, Thái Nguyên sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng cho vay về vấn đề trả lãi.

Bên cạnh đó, trong kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát xử lý những tồn tại, áp dụng cơ chế giảm lãi vay phát sinh trong thời gian dự án dừng thi công, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ co ý kiến xử lý những vướng mắc (nếu có).

Mất cân đối dòng tiền, Tisco cầu cứu

Ngoài các khoản vay cho dự án mở rộng giai đoạn 2 đã nêu, Gang thép Thái Nguyên hiện còn nợ ngân hàng với hàng ngàn tỉ đồng khác. Tính đến thời điểm 31-12-2018, Tisco có khoản nợ vay ngắn hạn 2.583 tỉ đồng, nợ dài hạn 2.800 tỉ đồng. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của công ty chỉ ở mức 3.274 tỉ đồng, tiền và tương đương tiền chỉ đạt 148 tỉ.

Chi phí lãi vay hiện đang được hạch toán vào chi phí phải trả ngắn hạn với hơn 8.000 tỉ đồng, tăng hơn hai lần so với con số 3.467 tỉ đầu kỳ.

Tất cả cho thấy, Tisco đang thiếu dụt dòng vốn trầm trọng. Trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2019, HĐQT doanh nghiệp cũng thể hiện điều này. “Do dự án mở rộng giai đoạn 2 tạm dừng, và chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng cho vay vốn đã hạ mức đánh giá tài chính của Tisco xuống mức thấp; tăng lãi vay lên 8% một năm... dẫn đến khó khăn lớn trong cân đối dòng tiền”, Tisco nêu.

Mặt khác, từ năm 2015, dự án được hỗ trợ vốn thông qua hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với số vốn phát hành thêm 1.000 tỉ đồng. Mục đích nhằm tăng vốn thanh toán các hạng mục đầu tư của dự án cải tạo mở rộng gang thép giai đoạn 2. Tuy nhiên, năm 2017, SCIC đã thoái vốn khỏi Gang thép Thái Nguyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, Gang thép Thái Nguyên đã phải thông qua chủ trương phát hành tăng vốn điều lệ để bù đắp khoản vốn của SCIC vừa thoái. Đồng thời nhằm thanh toán các khoản vay cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), từ đó có thể nâng cao khả năng thanh toán hoạt động kinh doanh cũng như tiếp tục đầu tư dự án.

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất 2018 kiểm toán, kiểm toán viên có nhấn mạnh vấn đề liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Cụ thể, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang triển khai dự án "Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - Giai đoạn 2" với tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là 3.843,67 tỉ đồng.

Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tại thời điểm 31-12-2018 là 5.093 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.888 tỉ đồng.

Căn cứ theo kết luận và các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, các khoản mục liên quan đến Dự án được trình bày trên Báo cáo tài chính có thể bị điều chỉnh khi các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ được thực hiện. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

(PLO)- NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh độc quyền vàng miếng, tạo lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.