Nhật Bản-Trung Quốc thảo luận cấp cao về kinh tế - tài chính

Nhật Bản và Trung Quốc ngày 14-4 đã tổ chức một cuộc đối thoại mở rộng cấp Bộ trưởng với nội dung xoay quanh các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư để bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ giữa bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang diễn ra mờ nhạt.

Đối thoại kinh tế cấp cao giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã diễn ra tại Bắc Kinh vào thời điểm các cường quốc châu Á đang tìm cách tăng cường hợp tác sau nhiều năm đối diện với căng thẳng chính trị.

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Vương Nghị nói: "Hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang tiếp tục tiến triển và có tác động sâu sắc đến thế giới"

Theo nhà lãnh đạo này, hai nước nên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để phát triển một cách hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kono lại đánh giá cao tầm quan trọng của việc hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới tổ chức các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về quan hệ kinh tế.

Tại cuộc đối thoại, các bộ trưởng đến từ hai nước đã cùng thảo luận về cách tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các công ty kinh doanh giữa bối cảnh mối nguy về kịch bản suy thoái kinh tế vẫn đang tiếp diễn ngày một phức tạp hơn, một phần do cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.

Phía Nhật Bản được cho là sẽ kêu gọi Trung Quốc trấn áp hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc, điều mà các công ty Trung Quốc từ lâu đã bị các đối thủ nước ngoài cáo buộc. Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Tokyo cũng có thể yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đối với thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, vốn được áp dụng sau thảm họa hạt nhân Fukushima hồi năm 2011 do lo ngại về ô nhiễm phóng xạ.

Để đổi lại, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ yêu cầu Nhật Bản đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến phát triển "Vành đai và Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình, với quy mô trải dài khắp châu Á, khu vực Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể thúc đẩy Nhật Bản cân nhắc lại quyết định loại trừ hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc là Huawei Technologies Co. và ZTE Corp khỏi các hợp đồng mua sắm của chính phủ, trong bối cảnh một số nước phát triển quan ngại hai “ông lớn” này vi phạm vấn đề an ninh trong quá trình hoạt động.

Đối thoại cấp Bộ trưởng giữa Nhật Bản và Trung Quốc, lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc kể từ năm 2010, diễn ra khoảng hai tháng trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản khi nước này đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm