Ngân hàng đua nhau miễn phí, khách hưởng lợi

Thay vì thi nhau tăng phí các loại dịch vụ để “móc túi” khách hàng như trước đây, thời gian gần đây hàng loạt ngân hàng mạnh tay khuyến mãi, miễn giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán. Trong đó, một số ngân hàng tung chương trình ưu đãi chuyển khoản 100%, siêu miễn phí, siêu ưu đãi… nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và thu hút lượng tiền gửi không kỳ hạn.

Đua nhau khuyến mãi, miễn phí

Ngày 17-5 vừa qua, Ngân hàng Agribank chính thức áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước với giao dịch cả trong và ngoài hệ thống cho khách hàng cá nhân lẫn tổ chức qua các kênh điện tử như ATM, ứng dụng Mobile Banking. Riêng giao dịch qua Internet Banking áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản từ ngày 1-6. Đây là ngân hàng đầu tiên trong nhóm các ông lớn mạnh tay miễn phí chuyển tiền cả trong và ngoài hệ thống mà không có bất cứ điều kiện ràng buộc nào.

Trước đó, để giữ chân khách hàng, Vietcombank đã đưa ra nhiều gói dịch vụ kèm chính sách khuyến mãi hoặc miễn phí giao dịch trực tuyến. Ví dụ với gói VCB-Eco, khách hàng được miễn phí chuyển khoản nội bộ, còn dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng vẫn tốn phí như thường. Trong trường hợp chọn gói phí dịch vụ ngân hàng điện tử với mức phí từ 22.000 đồng/tháng, khách hàng sẽ được áp dụng miễn phí khi chuyển trong nội bộ cũng như chuyển tiền sang ngân hàng khác. Ngân hàng BIDV cũng có chính sách phí tương tự.

Ngân hàng VietinBank cũng áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản, miễn phí duy trì tài khoản… nếu khách hàng duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân hằng tháng từ 2 triệu đồng trở lên hoặc trả phí duy trì gói 15.000 đồng/tháng.

Đáng chú ý, dù sở hữu lượng khách hàng ít hơn nhưng các ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng thi nhau khuyến mãi nhằm cạnh tranh với các ông lớn. Trong đó, nhiều ngân hàng áp dụng chính sách phí 0 đồng, siêu ưu đãi lên tới 50 danh mục các loại phí để thu hút khách hàng.

Nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch thanh toán điện tử kèm theo chính sách miễn nhiều loại phí. Ảnh: TL

Đặc biệt, ngoài việc không tốn phí khi chuyển khoản và phí duy trì tài khoản, VPBank cũng không bắt buộc khách hàng phải có số dư tối thiểu. Cụ thể, số tiền giao dịch cho mỗi lần chuyển khoản có thể xuống thấp tới mức chỉ có… 100 đồng dù chuyển tiền trong nội bộ hay liên ngân hàng. Điều này giúp khách hàng thực sự dễ dàng, tiện lợi khi thanh toán những món hàng có giá trị vô cùng thấp.

Một số ngân hàng còn chăm chút khách hàng cá nhân bằng việc mở tài khoản số đẹp, số tài khoản trùng số điện thoại… miễn phí.

Miễn phí là chưa đủ

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết đơn vị hiện nay đang đảm trách khoảng 1/3 lượng tiền mặt trong lưu thông của toàn nền kinh tế, chủ yếu ở khu vực nông thôn, các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, chi phí để vận hành tiền mặt là vô cùng lớn, gồm có lượng dự trữ tiền mặt tại các cây ATM dao động trong khoảng 15.000-17.000 tỉ đồng tùy từng thời điểm.

Ngoài ra, ngân hàng này còn có lượng tiền dự trữ trong kho và thường xuyên phải vận chuyển lưu thông trên đường để phục vụ cho 2.300 chi nhánh và hơn 3.000 cây ATM. Do vậy, với chiến lược tặng 100% phí dịch vụ cho khách hàng, Agribank phải tự bỏ chi phí để thanh toán cho bên thứ ba như phí cước viễn thông, phí trung gian thanh toán… Mục đích quan trọng nhất của việc miễn phí là để khuyến khích khách hàng giảm sử dụng tiền mặt.

“Việc tặng 100% phí dịch vụ khiến doanh thu từ dịch vụ thanh toán trong năm nay của chúng tôi sẽ giảm khoảng 1.600-1.700 tỉ đồng. Tuy vậy, nó cũng giúp chúng tôi tiết giảm cả ngàn tỉ đồng gồm chi phí dự trữ tiền mặt, chi phí đầu tư lắp đặt máy ATM, chi phí vận chuyển lưu thông tiền mặt cho đến lương cho nhân sự, kiểm đếm…” - bà Phượng nhấn mạnh.

Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân VPBank, chia sẻ: Hiện đơn vị đang triển khai hàng loạt chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy xu hướng sử dụng tài khoản thanh toán, dịch vụ ngân hàng. Qua đó thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19.

“Theo khảo sát khách hàng của chúng tôi, miễn giảm phí giao dịch là một trong những tiêu chí mà khách hàng quan tâm khi chọn dịch vụ ngân hàng. Do vậy, chúng tôi mong muốn cung ứng dịch vụ thân thiện cho khách hàng từ giải pháp công nghệ đến chính sách phí. Mặt khác, các chính sách như miễn phí chuyển tiền, miễn phí giao dịch online… cũng giúp chúng tôi thu hút được dòng tiền nhàn rỗi. Từ đó, chúng tôi cũng có thêm nguồn thu để phục vụ cho hoạt động cho vay và bù đắp việc hy sinh phí giao dịch” - lãnh đạo VPBank cho hay.

Giới chuyên gia nhìn nhận, ngoài việc miễn giảm phí để thu hút khách hàng thì việc khuyến khích khách hàng thanh toán điện tử có thể giúp các ngân hàng tiết kiệm từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng mỗi năm. Nguyên nhân do tiết kiệm được chi phí kiểm đếm, vận chuyển, vận hành… rất tốn kém. Đặc biệt, với những ngân hàng mà chi phí đầu tư lắp đặt cây ATM rất thấp thì họ lấy nguồn kinh phí này để tiếp thị khách hàng và gia tăng sức cạnh tranh.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá rằng nhu cầu chuyển khoản, thanh toán cũng như việc quản lý tài chính trên nền tảng số ngày càng trở nên sôi động. Điều này khiến các ngân hàng phải thích nghi, khai thác nhằm tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu chỉ miễn giảm phí dịch vụ thôi không đủ, mà ngân hàng còn cần phải chú trọng hơn vào các hoạt động đầu tư phát triển công nghệ. Trong đó cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

“Bên cạnh đó, khi thói quen sử dụng thanh toán điện tử của khách hàng ngày càng tăng kéo theo nhu cầu về bảo mật, an toàn thông tin cho khách hàng cũng cần được các ngân hàng đặc biệt quan tâm hơn” - TS Hiếu nhấn mạnh.

Bùng nổ thanh toán điện tử

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong ba tháng đầu năm nay, tổng số lượng giao dịch qua phương thức thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 37 triệu món với giá trị hơn 31 triệu tỉ đồng. Con số này tăng 6,32% về số lượng và tăng 22,98% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Theo kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải làm sao để đạt mục tiêu ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời tối thiểu phải có 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số, tức kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng Internet. 

Cổ phiếu ngân hàng bùng nổ
Cổ phiếu ngân hàng bùng nổ
(PLO)- Trong vòng chưa đầy hai tháng trở lại đây, giá cổ phiếu ngân hàng thăng hoa dữ dội, không hiếm mã cổ phiếu ngành ngân hàng tăng tới 50%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm