Mới: Quy định về vay USD Mỹ sắp có nhiều thay đổi

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Dự thảo này đưa ra một số nội dung mới.

Theo đó tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn như sau:

Thứ nhất: Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31-3-2019;

Thứ hai: Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;

Thứ ba: Cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 30-9-2019;

Thứ 4: Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hằng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;

Thứ năm: Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ;

Thứ năm: Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài”.

Dự thảo này cũng nêu rõ: Khách hàng vay bằng ngoại tệ nào thì phải trả nợ gốc và lãi vốn vay bằng ngoại tệ đó; trường hợp trả nợ bằng ngoại tệ khác, thì thực hiện theo thoả thuận giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.

Trường hợp khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay để trả nợ vay, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay phải bán ngoại tệ cho khách hàng để trả nợ vay…

NHNN cho hay, quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. Qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018 cho thấy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây chủ yếu do tỉ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi do lãi suất ngoại tệ (USD) vay thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VNĐ.

Vì vậy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, nhất là trong bối cảnh tỉ giá và thị trường ngoại tệ được NHNN điều hành tương đối ổn định.

Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước…nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn.

Từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao đặc biệt là tác động từ xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Quy định này tạo thêm quyền cho khách hàng khi được lựa chọn tổ chức tín dụng để mua ngoại tệ, qua đó tạo sự thông thoáng, đa dạng cho thị trường mua/bán ngoại tệ.

Hiện lãi suất huy động USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8%-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8%-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5%-6,0%/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm