Bí ẩn viên kim cương 350 triệu USD- Kỳ 1:

Lời nguyền của viên kim cương nổi tiếng bị đánh cắp

Khách tham quan Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên Smithsonian ở Washington, Mỹ thường dừng lại khá lâu trước viên kim cương có tên Hope. Sức hấp dẫn của viên kim cương này không chỉ ở sắc xanh mê hoặc, mà còn từ những truyền thuyết về kết cục bi thảm của những người từng sở hữu nó…
Viên kim cương Hope đang được trưng bày trong bảo tàng Smithsonian là một trong những viên đá quý nổi tiếng nhất thế giới và được định giá lên tới 350 triệu USD.
Khi nhìn bằng mắt thường, viên kim cương Hope có màu xanh lục do có một số nguyên tố Boron trong cấu trúc tinh thế của mình, nhưng nó sẽ phát ra màu đỏ khi được đặt dưới ánh sáng cực tím.
Từ khu mỏ Golconda đến bảo tàng Smithsonian
Viên kim cương Hope trong bảo tàng Smithsonian có trọng lượng 45,52 carat từng là một viên kim cương có hình dạng tam giác với các bề mặt cắt còn thô và nặng đến 115 carat được tìm thấy trong một khu mỏ cổ ở Golconda, miền nam Ấn Độ.
Ban đầu nó được gọi là “Màu xanh Tavernier”, theo tên của thương gia đá quý người Pháp đã sở hữu nó năm 1666.
Đến năm 1673, Vua Louis XIV của Pháp ra lệnh cho thợ kim hoàn hoàng gia Sieur Pitau gọt giũa lại viên kim cương theo phong cách châu Âu và cũng để làm tăng độ sáng của viên đá quý.
Bản cắt mới hình trái tim và viên kim cương xanh chỉ còn lại 67,125 carat. Vua Louis XIV chính thức đặt tên cho viên đá quý là “Viên kim cương xanh của nhà vua” hay còn gọi là “Màu xanh nước Pháp”.
Trong cuộc cách mạng Pháp, viên kim cương được cho là đã bị đánh cắp cùng với nhiều châu báu khác của hoàng gia sau khi Vua Louis XVI bị xử tử năm 1792.
Sau thời gian dài “lưu lạc”, năm 1839, viên kim cương xanh xuất hiện dưới một hình dạng khác trong bộ sưu tập đá quý của Henry Philip Hope và được đặt tên là Hope, theo họ của nhà quý tộc giàu có.
Năm 1958, nhà buôn đá quý Harry Winston đã tặng viên kim cương 45,52 carat tuyệt đẹp, dài 25,6mm và rộng 21,7mm này cho bảo tàng Smithsonian.
Lời nguyền của viên kim cương bị đánh cắp
Tương truyền viên kim cương Hope đã bị nguyền rủa và nó dường như chỉ đem lại những tai họa kinh khủng cho chủ nhân của mình.
Theo đó, viên kim cương bí ẩn này là một trong những con mắt của tượng nữ thần Sita, vợ của vua Rama, hóa thân thứ 7 của Thần Vishnu.
Khi phát hiện viên kim cương bị đánh cắp, các giáo sĩ Ấn Độ giáo đã đặt ra một lời nguyền đối với người sở hữu viên kim cương, kể cả những người mua lại viên kim cương này sau đó.
Lời nguyền lập tức ứng nghiệm, và Jean-Baptiste Tavernier, thương gia đá quý người Pháp bị cho là kẻ đánh cắp viên kim cương đã bị phá sản, rồi bịnh nặng và qua đời không lâu sau đó. Người ta còn kể lại rằng sau khi chết, xác của Tavernier đã bị lũ sói ăn thịt.
Thế nhưng tất cả chỉ là truyền thuyết, còn thực tế thì sau khi sở hữu viên kim cương huyền thoại rồi bán lại cho vua Louis XIV của Pháp, Tavernier còn sống thêm hơn 20 năm nữa, đến năm 84 tuổi mới qua đời vì bệnh của tuổi già.
Thương gia Tavernier đã mua chứ không đánh cắp

Lời nguyền của viên kim cương nổi tiếng bị đánh cắp ảnh 1
Jean-Baptiste Tavernier, chủ sở hữu đầu tiên của viên kim cương Hope. Ảnh: ADIAMOR

Theo tài liệu của Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên Smithsonian, Jean-Baptiste Tavernier đã mua viên kim cương màu xanh 115 carat từ một lãnh chúa vùng Golconda chứ không hề đánh cắp.
Tavernier không chỉ là một thương gia đá quý, ông còn là một lữ khách dày dạn kinh nghiệm từng đi khắp châu Á trong thế kỷ XVII.
Sinh năm 1605 tại Paris, Pháp, Tavernier lớn lên trong một gia đình chuyên vẽ bản đồ, và ông cũng đã được đào tạo để làm công việc này. Tuy nhiên, ông sớm bộc lộ niềm đam mê thám hiểm những vùng đất lạ từ tuổi thiếu niên.
Trong gần 40 năm (từ 1630 đến 1668), Tavernier đã thực hiện 6 hành trình lớn về phương Đông, từ Ba Tư đến Ấn Độ. Rồi ông trở thành một nhà buôn đá quý thành công, và được xem là người châu Âu đầu tiên miêu tả về những mỏ kim cương ở Ấn Độ.
Những hành trình này đã được Tavernier kể lại trong cuốn sách 6 chuyến du hành của Jean-Baptiste Tavernier xuất bản năm 1678. Hai năm sau, bản tiếng Anh của cuốn sách này, do John Phillips chuyển ngữ, được phát hành. Sau đó, sách còn được tiếp tục dịch sang tiếng Đức, Hà Lan, Ý và phát hành ngay trong Tavernier còn sống.
Chính là trong hành trình thứ 6 và cũng là chuyến đi cuối cùng đến Ấn Độ trong khoảng thời gian từ 1664 - 1668, Tavernier đã mua được viên kim cương xanh ngoại hạng nặng khoảng hơn 115 carat. Được gọi là Màu xanh Tavernier, viên kim cương này chắc chắn được khai thác ở Golconda, Ấn Độ, rất có thể là từ khu mỏ Kollur.
 
Vì sao Tavernier lại bán viên kim cương cho vua Louis XIV với giá rẻ như thế?
Năm 1668, Tavernier bán viên kim cương cho Vua Louis XIV của nước Pháp với giá 220.000 livres (đơn vị tiền tệ Pháp thời xưa). Theo ông François Farges, người phụ trách khoáng vật và đá quý tại Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên Pháp, thì giá trị của viên kim cương phải gấp đôi con số đó.
Theo Richard W. Wise, tác giả cuốn Màu xanh của Pháp, ngoài số tiền 220.000 livres, Tavernier còn được trao giấy công nhận thuộc tầng lớp quý tộc - có khả năng là một phần của thỏa thuận mua bán viên đá quý này - mà ở thời điểm đó có thể mang lại cho Tavernier khoảng bổng lộc từ 400.000 đến 500.000 livres.
Cũng theo Wise, việc bán viên kim cương này cho nhà vua nước Pháp còn là một sự quảng bá tốt cho công việc kinh doanh của Tavernier. Năm đó, bên cạnh viên kim cương xanh quý hiếm, Tavernier còn bán cho Vua Louis XIV 14 viên kim cương lớn khác cùng một số viên nhỏ hơn.
Hơn nữa, xét về tình hình kinh tế của những hoàng gia châu Âu khác thời điểm đó, thì Tavernier khó có thể nhận được một lời đề nghị nào tốt hơn.
Trong hơn 20 năm tiếp theo, dù đã có tuổi, Tavernier vẫn tiếp tục thực hiện những chuyến đi khám phá những vùng đất mới.
Tháng 7.1689, Tavernier qua đời tại Moscow, Nga, ở tuổi 84. Thế là người lữ hành già đã không thể thực hiện hành trình đến Ba Tư qua ngả Moscow như mong muốn.
Tuy nhiên những câu chuyện đồn thổi về lời nguyền chết chóc của viên kim cương Hope lại càng được thêu dệt nhiều hơn từ sau cái chết ở xứ người của Tavernier.
Đặc biệt là vì Tavernier vẫn luôn từ chối chia sẻ về chuyện ông đã tìm thấy viên kim cương như thế nào, dù ông đã miêu tả khá chi tiết về viên kim cương này trong cuốn 6 chuyến du hành của ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm