Lãi suất tiết kiệm sẽ tăng trở lại để 'ganh đua' với vàng?

Báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng do Công ty chứng khoán VNDirect vừa công bố nhận định rằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, tuy nhiên lãi suất tiền gửi sẽ tăng trở lại trong năm sau.

Liên quan đến lãi suất cho vay, các chuyên gia tài chính tại VNDirect kỳ vọng lãi suất cho vay trung bình sẽ giảm 10-30 điểm cơ bản trong tháng cuối năm 2021.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại do nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.

Do đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh.

Khảo sát lãi suất huy động trong tháng 11, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ghi nhận trong tháng 11 vừa qua, lãi suất huy động trung bình đã có diễn biến tăng nhẹ đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Theo đó, trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng cùng tăng nhẹ 0,01 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 4,71% và 5,51% vào cuối tháng 11.

Đáng chú ý, động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỉ đồng, với mức tăng lần lượt 0,03 và 0,02 điểm phần trăm, lên mức 5,42% kỳ hạn 6 tháng và 6,02%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Riêng với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn vốn trên 5.000 tỉ đồng và nhóm ngân hàng gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng trong tháng 11 này. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của 2 nhóm ngân hang này lần lượt ở mức 4,41% và 3,78%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 5,25% và 4,95%/năm.

Số liệu thống kê cho thấy tín dụng toàn ngành tính đến ngày 25/11 tăng lên 10,1% so với đầu năm nay và cao hơn nhiều so với mức 8,4% trong 11 tháng năm 2020.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng toàn ngân hàng sẽ tăng trưởng 12% so với cùng kỳ trong năm nay và phục hồi lên mức 13-14% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ hoạt động sản xuất và thương mại phục hồi mạnh mẽ nhờ sự gia tăng của nhu cầu trong và ngoài nước; lãi suất cho vay thấp kích thích nhu cầu vay mua nhà và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn.

Qua đó, hệ số NIM (thu nhập lãi thuần) trong năm sau của các ngân hàng cũng sẽ được cải thiện nhưng sẽ không đồng đều. Các ngân hàng có thể được cải thiện hệ số NIM trong năm 2022 khi sở hữu những lợi thế cạnh tranh như hệ số tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hoặc tỷ lệ cấp tín dụng/tổng huy động (LDR) ở mức thấp. Nhờ đó, giúp giảm được chi phí vốn trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm. Hoặc các ngân hàng có khả năng vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp trong bối cảnh tỷ giá ổn định và mở rộng cho vay cá nhân cũng giúp cải thiện hệ số NIM.

Lãi suất tiền gửi xuống mức 'siêu' thấp
Lãi suất tiền gửi xuống mức 'siêu' thấp
(PLO)- Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục giảm mạnh, thậm chí có ngân hàng thương mại còn giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng hiện chỉ còn hơn 2,5%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất tại ngân hàng quốc doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm