'Khả năng Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ rất thấp'

Bộ phận Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt nam tháng 5, 6 và 7-2019. Báo cáo này cho hay, chỉ trong vòng một tháng, VND đã giảm giá 0,6% so với USD.

Lý giải về việc tỉ giá USD/VND tạo sóng đầu tiên kể từ đầu năm, SSI cho biết:  Do chịu tác động của diễn biến quốc tế, tỉ giá giao dịch USD/VND tháng qua dao động khá mạnh. Kết thúc tháng tăng thêm 130 đồng/USD ở chiều mua vào và 150 đồng/USD ở chiều bán ra trên ngân hàng, lên mức 23.360 - 23.480 VND/USD và tăng thêm 90 đồng/USD trên thị trường tự do lên mức 23.415 - 23.430.

Như vậy chỉ trong vòng một tháng, VND đã giảm giá 0,6% so với USD, một biến động tương đối lớn sau bốn tháng ổn định nhưng vẫn ít hơn sự mất giá của hầu hết các đồng tiền trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Philippines…

Trong tháng 5, tỉ giá trung tâm cũng tăng thêm 37 đồng/USD, tương đương 0,16% so với cùng kỳ tháng trước. Khác với diễn biến đi ngang trong gần bốn tháng đầu năm và bật tăng từ cuối tháng 4 đến nay của tỉ giá giao dịch, tỉ giá trung tâm đã liên tục tăng từ đầu năm, mức tăng tổng cộng là 1,05%, đảm bảo biên độ đủ rộng cho biến động tỉ giá.

Qua đó thể hiện sự chủ động của NHNN trong việc điều hành tỉ giá khi thị trường chịu tác động bởi các yếu tố khó lường từ bên ngoài.

Một diễn biến đáng chú ý khác là việc Việt Nam lọt vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát của Mỹ cùng với 8 quốc gia khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ailen, Singapore, Malaysia nhưng hiện chưa có nước nào bị coi là thao túng tiền tệ.

Việc Mỹ hạ các tiêu chuẩn đã mở rộng danh sách các nước thuộc diện giám sát. Cụ thể, Mỹ hạ tiêu chí thặng dư cán cân thanh toán >2% GDP (thay vì 3% như trước đây) và tiêu chí mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6/12 tháng (thay vì 8/12 tháng như trước đây).

Ngoại trừ Trung Quốc chỉ chạm một tiêu chí, Việt Nam và bảy nước còn lại đều chạm hai tiêu chí về thặng dư cán cân thương mại và cán cân thanh toán hiện thời.

Chính vì vậy, SSI nhận định: "Khả năng Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ trong lần rà soát tới là rất thấp do nguồn cung USD trong nước không còn dồi dào như trước dẫn đến khó có thể liên tục mua vào USD cho dự trữ ngoại hối. Thị trường tài chính tiền tệ vì vậy sẽ không bị tác động bởi câu chuyện thao túng tiền tệ, ít nhất là trong năm nay".

Trong phiên chất vấn sáng nay (6-6), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, ngày 29-5-2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô thương mại và tỉ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ và có đưa ra danh sách 9 quốc gia theo dõi, giám sát trong đó có Việt Nam.

Theo quy định của phía Hoa Kỳ thì có ba tiêu chí để đánh giá các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ: Thứ nhất, có thặng dư thương mại đối với Hoa Kỳ trên 20 tỉ USD; Thứ hai, có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; Thứ ba, có can thiệp ngoại hối một chiều, tức mua ròng ngoại tệ trong vòng sáu tháng liên tục khoảng 2% GDP.

Nhìn vào ba tiêu chí trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Việt Nam thỏa mãn hai tiêu chí của phía Hoa Kỳ, tức chúng ta có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn hơn 20 tỉ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP, còn về can thiệp ngoại hối một chiều thì chúng ta thấp hơn ngưỡng phía Hoa Kỳ đưa ra.

“Báo cáo với Quốc hội, báo cáo của phía Hoa Kỳ đưa ra cũng có kết luận là không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện thao túng tiền tệ” - Thống đốc nói và nhấn mạnh: Chúng ta cũng khẳng định với đối tác Hoa Kỳ là chúng ta điều hành chính sách là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chúng ta không dùng những chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỉ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng.

Người đứng đầu ngành Ngân hàng khẳng định, báo cáo này chỉ đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Chính phủ, cho các bộ, ngành trong đó có Ngân hàng Nhà nước. Những khuyến nghị chính sách từ phía Hoa Kỳ đưa ra cũng khá tương đồng với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi hàng năm đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Những khuyến nghị chính sách của IMF và Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng nằm trong lộ trình Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành trong đó có Ngân hàng Nhà nước triển khai hoàn thiện các cơ chế điều hành kinh tế vĩ mô.

“Trong thời gian tới, trong chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cùng các bộ, ngành trao đổi, cung cấp thông tin cần thiết cho phía đối tác Hoa Kỳ để làm rõ những định hướng điều hành của chúng ta cũng như diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như tình hình diễn biến cán cân vãng lai, thương mại, đầu tư của chúng ta với phía Hoa Kỳ”, Thống đốc nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm