Hơn 1.000 tỉ USD chứng khoán Mỹ 'cuốn theo chiều gió'

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trở lại. Các chỉ số chính ở Phố Wall đã kết thúc trong sắc xanh.

Các thị trường chứng khoán chủ chốt tại khu vực châu Á cũng đồng loạt xanh trong phiên sáng 7-2. Ví dụ chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật đã tăng hơn 3%, phục hồi một phần mất mát mà cú giảm 4,73% gây ra vào ngày hôm qua.

Trước đó, cơn hoảng loạn từ thị trường chứng khoán Mỹ đã lan tỏa ra phạm vi toàn cầu. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã "rơi tự do" đến hơn 1.500 điểm, khoảng 6,89% chỉ trong sáng 6-2.

Theo hãng tin Reuters, đây là mức giảm tồi tệ nhất của chỉ số này từ tháng 11-1990 đến nay. Maki Sawada, chuyên gia tại phòng nghiên cứu đầu tư của Tập đoàn Nomura Securities, cho biết tình trạng bán tháo chứng khoán tại Nhật Bản là do hoảng loạn sau những gì đã xảy ra tại Phố Wall. "Hiện tượng bán tháo tăng tốc theo phản ứng dây chuyền" - bà trả lời hãng thông tấn Kyodo.

Các sàn chứng khoán tại Hàn Quốc, Thượng Hải, Hong Kong đều chìm trong một màu đỏ chói.

Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực trước thông tin người lao động Mỹ được tăng thu nhập do lo sợ các khoản vay tăng lãi suất. Ảnh: BLOOMBERG

Chỉ số FTSE 100 bao gồm các công ty lớn nhất tại Anh giảm 255 điểm. Jasper Lawler, Trưởng phòng nghiên cứu của London Capital Group, nhận định một cách cay đắng: "Cuộc "tắm máu" trên Phố Wall và sau đó tái diễn ở châu Á đã khiến cho mức độ tự tin tại thị trường châu Âu bốc hơi hoàn toàn".

Tờ The Guardian cho biết chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ mở cửa, toàn bộ bản đồ các thị trường chứng khoán tại châu Âu đã trở thành “biển đỏ”. Chứng khoán châu Âu rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8-2017 đến nay, các nhà đầu tư điên cuồng bán tháo trên toàn châu lục.

Chỉ số Stoxx 600, bao gồm các công ty và tập đoàn lớn nhất tại châu Âu, sáng 6-2 đã rớt đến 3,1%. Riêng tại Đức mức giảm lên đến 3,5%. Thị trường chứng khoán London cũng ngập trong "biển đỏ".

Trước đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones hôm 5-2 (giờ đại phương) có ngày giảm điểm sâu nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ. Thị trường đã có lúc bị bán tháo đến mức hoảng loạn. Ở mức thấp nhất, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm đến 1.600 điểm - mức giảm tồi tệ nhất trong ngày, còn chỉ số S&P 500 có lúc mất đến 5%. Chỉ số CBOE, hay còn gọi là chỉ số đo nỗi sợ của nhà đầu tư chứng khoán, tăng 104% lên mức 35,02 điểm - mức cao nhất tính từ tháng 8-2015, theo tính toán của FactSet.

Theo tờ The Guardian, thị trường chứng khoáng Mỹ đã mất gần 1.000 tỉ USD giá trị vốn hóa chỉ trong năm ngày đầu tiên của tháng 2.

Nhà Trắng đã cố gắng trấn an thị trường chứng khoán, cho rằng các nền tảng kinh tế về dài hạn vẫn "vô cùng mạnh mẽ".

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng những gì diễn ra vừa qua tại Phố Wall chỉ là quy luật "lên xuống bình thường" của thị trường chứng khoán Mỹ.

Vì sao nhà đầu tư Mỹ hoảng loạn?

Một số chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng tại Phố Wall vừa qua là do những nhà đầu tư sợ ngân hàng trung ương sớm nâng mức lãi suất. Ngày 2-2 vừa qua, Cục Chỉ số lao động Mỹ cho biết mức thu nhập của người lao động nước này có mức tăng lớn nhất từ năm 2009 đến nay.

Tín hiệu tưởng chừng đáng mừng lại khiến các nhà đầu tư suy đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm tăng lãi suất, theo The Guardian. Năm 2017, Tổng thống Trump đã thúc đẩy cắt giảm thuế để giúp các tập đoàn tăng lợi nhuận.

Nhưng dường như điều này đang phản tác dụng trên thị trường chứng khoán vì nhiều nhà đầu tư lo ngại chính phủ Mỹ sẽ mượn thêm tiền để bù đắp vào thâm hụt thu ngân sách, qua đó là giảm giá trị nợ chính phủ và leo thang lãi suất trái phiếu chính phủ.

Các nhà đầu tư sẽ có tâm lý lo ngại Cục Dự trữ quốc gia ra một chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến cho trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn cổ phiếu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

(PLO)- NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh độc quyền vàng miếng, tạo lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.