Hàng loạt ông lớn tăng lợi nhuận sau sắp xếp, đổi mới

Ngày 21-8, Bộ NN&PTNT tổ chức tọa đàm về mô hình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay các công ty đã hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới 160 công ty, đạt 62,5% kế hoạch. Các công ty đang thực hiện, dự kiến hoàn thành sắp xếp trong năm 2019 chuyển sang hoạt động theo mô hình mới là 69 công ty, bằng 29,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Đến 30-6-2019, còn 27 công ty chưa thực hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: AH

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, kết quả ban đầu đã tạo sự chuyển biến mới về quản lý các công ty nông, lâm nghiệp theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, về các mô hình hoạt động, mô hình nào cũng có lợi ích và hạn chế nhất định. Ví dụ như khi sắp xếp, chuyển thành công ty cổ phần thì Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối nên khó thu hút vốn đầu tư của tư nhân. Nhưng nếu Nhà nước không nắm thì khó thực hiện bảo vệ rừng và gắn kết hài hòa tổ chức sản xuất và ổn định gia đình nhận khoán đất.

Từ thực tế của địa phương, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cũng cho biết nếu Nhà nước không nắm cổ phần chi phối thì không chọn được nhà đầu tư chiến lược theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP. Bên cạnh đó, việc xử lý tồn tại sau cổ phần hóa rất khó.

“Nếu Nhà nước không được chọn nhà đầu tư chiến lược thì rất khó thay đổi được phương án sản xuất, kinh doanh. Nếu Nhà nước nắm trên 51% sẽ lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, nhưng nhà đầu tư lại không mặn mà” - ông Duy băn khoăn.

Do đó, chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 126 theo hướng cho phép chọn nhà đầu tư chiến lược cả trong trường hợp Nhà nước không nắm cổ phần chi phối.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: AH

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng với tình hình này, mục tiêu đến năm 2020 cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp là khả thi.

Phó Thủ tướng lấy dẫn chứng một số công ty sau khi sắp xếp, đổi mới đã phát huy hiệu quả hoạt động, như Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam trước khi cổ phần hóa thì vốn chủ sở hữu có hơn 2.000 tỉ đồng, sau khi cổ phần hóa đã tăng lên hơn 4.000 tỉ đồng. Lợi nhuận tăng từ 164 tỉ đồng lên gần 800 tỉ đồng năm 2018.

Hay như Tổng Công ty Cao su Việt Nam, trước khi sắp xếp, đổi mới thì số vốn chủ sở hữu chỉ có gần 19.000 tỉ đồng. Sau sắp xếp, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 21.800 tỉ đồng. Doanh thu tăng từ 15.500 tỉ đồng lên hơn 22.600 tỉ đồng, lợi nhuận tăng từ 3.698 tỉ đồng lên 3.800 tỉ đồng.

Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế ở Bắc Giang đang mở ra hướng hoạt động hiệu quả khi chuyển thành công ty TNHH hai thành viên, thành viên thứ hai góp vốn triển khai nhà máy chế biến là một dự án độc lập.

Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT thời gian tới trong quá trình thực hiện cần đánh giá kỹ hơn bốn thành tố quan trọng gồm: sắp xếp, đổi mới, phát triển, sản xuất hiệu quả.

Đồng thời, Phó Thủ tướng gợi ý một số vấn đề các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới cần rà soát, nghiên cứu kỹ để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình sắp xếp, như phá sản đối với công ty lâm nghiệp. Nếu không cho phá sản thì cần nghiên cứu cơ chế tài chính đặc thù để xử lý tắc nghẽn khi giải thể.

Với trường hợp cổ phần hóa, quy định trường hợp nào Nhà nước nên nắm giữ chủ yếu vốn cổ phần, trường hợp nào có thể bán hết, trường hợp nào cần giữ đủ để có quyền phủ quyết cần tính toán kỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm