Giá vàng nơi giảm sâu, nơi tăng 5 triệu đồng/lượng

Nếu tính từ đầu tháng 12-2021 đến nay, khi giá vàng thế giới chỉ giao động nhẹ, tăng không đáng kể và giao dịch phổ biến quanh ngưỡng 1.780 USD/ounce thì giá vàng miếng SJC vẫn "ung dung" tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Chính diễn biến trái chiều này khiến cho khoảng cách giữa giá vàng SJC và thế giới ngày càng vênh. Từ chỗ chỉ đắt hơn khoảng 7 triệu đồng/lượng thì giờ đây mỗi lượng vàng SJC đã cao hơn vàng thế giới quy đổi tới gần 12 triệu đồng/lượng.

Khoảng cách chênh lệch bất thường này đến từ việc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC đã cạn kiệt, trong khi đó từ nhiều năm nay NHNN không nhập thêm bất cứ một miếng vàng nguyên liệu nào.

Vào đầu giờ chiều ngày 7-12, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC diễn biến khá bất thường. Đơn cử, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua-bán so với chốt phiên hôm trước, niêm yết giá mua và bán ở mức 60,7 – 61,4 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý lại tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và giữ nguyên giá ở chiều bán, giao dịch ở mức 60,8 – 61,4 triệu đồng/lượng. Điều này khiến cho chênh lệch giữa giá mua và bán hạ xuống mức thấp nhất trong nhiều ngày qua, khi chênh lệch hai chiều tại đây chỉ có 600.000 đồng/lượng.

Giá kim loại quý trên thị trường thế giới giảm nhẹ vào phiên sáng sau đó phục hồi nhưng biên độ tăng không đáng kể.

So với chốt phiên giao dịch trước, hiện giá vàng quốc tế mua bán quanh mức 1.782 USD/ounce, tăng khoảng 4 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 50 triệu đồng/lượng.

Hiện tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo kinh tế toàn cầu năm 2021 do biến thể Omicron. Đầu tháng 12, OECD dự báo kinh tế toàn cầu năm nay tăng trưởng 5,6%, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi đầu tháng 10.

Theo OECD, đà phục hồi của thế giới đang chậm lại và ngày càng mất cân bằng. Điển hình là tình trạng lạm phát cao, nguồn cung ứng tắc nghẽn và các chính sách vội vã.

Theo tổ chức này, ưu tiên hiện nay cần làm là đảm bảo quá trình tiêm chủng vaccine. Mặc dù nhận định có phần bi quan, song OECD vẫn giữ tốc độ tăng trưởng của năm 2022 ở mức 4,5%, không thay đổi so với dự báo trước.

Tiếp đó, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ông Jerome Powell trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ ngày 30-11 đã phát biểu rằng sẽ là phù hợp nếu FED thảo luận về việc có nên kết thúc chương trình mua tài sản sớm hơn vài tháng so với dự kiến hay không.

Nguyên nhân chính do áp lực lạm phát đã ở mức cao trong thời gian khá dài, và từ “tạm thời” đã không còn phù hợp để nhận định vấn đề này.

Cuộc họp của FED sẽ diễn ra vào ngày 14 và 15-12, kết quả của cuộc họp sẽ được thông báo vào sáng sớm ngày 16-12 theo giờ Việt Nam.

Mỹ đón một số thông tin kinh tế tương đối lạc quan. Đầu tiên, doanh số nhà chờ bán tại quốc gia này tăng 7,5% so với cùng kỳ tháng tháng 10 sau khi giảm 2,4% ở tháng trước đó, vượt xa so với mức tăng 0,8% theo dự báo.

Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 210.000 việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 11, thấp hơn mức 546.000 của tháng 10, đồng thời thấp hơn mức 553.000 theo kỳ vọng.

Tỉ lệ thất nghiệp của nước này giảm mạnh xuống còn 4,2% trong tháng 11 từ mức 4,6% của tháng 10, tích cực hơn dự báo ở mức 4,5%.

Phản ứng trước những thông tin này, Quỹ đầu tư tín thác vàng SPDR Gold Trust đã bán ròng bốn phiên liên tiếp với khối lượng bán ra là 10,21 tấn, qua đó lượng vàng dự trữ tại quỹ này hiện chỉ còn 982,64 tấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm