Đau tim vì chơi chứng khoán kiểu 'đứng hình'

Trong phiên sáng nay, ngày 9-6, áp lực chốt lời diễn ra trên diện rộng, tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng, chứng khoán… khiến chỉ số VN-Index có lúc giảm thêm 6,05 điểm, còn 1.313,83 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào để bắt đáy đã hỗ trợ cho chỉ số VN-Index phục hồi và tăng nhẹ 1,04 điểm, lên 1.320,92 điểm.

Chỉ tính riêng trong 2 phiên đầu tuần, do nhu cầu chốt lời quá mạnh đã lấy lại gần như hết thành quả ở tuần giao dịch trước. Nhiều nhà đầu tư chót “đu đỉnh”, khiến tài khoản có thời điểm lỗ tới 20%. 

Anh Tuấn chia sẻ: Thông tin "bầu" Thụy đăng ký mua 32,54 triệu CP LPB để nâng tỉ lệ sở hữu lên hơn 52,9 triệu cổ phiếu, từ ngày 8-6 đến 8-7 làm tôi tin tưởng giá cổ phiếu chắc chắn sẽ lên.

Do đó, tôi “ôm” ngay hơn 20.000 CP đúng vùng đỉnh 34.000 đồng/CP. Trái với kỳ vọng, cổ chưa kịp về thì giá đã rơi thảm hại. Trong phiên sáng nay, có thời điểm, giá cp LPB chỉ còn 29.100 đồng/cp, sau đó hồi lại và chốt phiên sáng ở mức giá 30.200 đồng/CP. Với mức giá này, chỉ riêng mã LPB đã khiến tài khoản của tôi lỗ gần 12%. 

Chị Thuý Anh chia sẻ: "Thấy giá của một loạt CP lao dốc, tôi tranh thủ bán và đang có chút lời để lấy vốn trung bình giá với những CP đang bị "âm" nặng. Thế nhưng tình trạng đơ toàn tập trên sàn HoSE khiến tôi không thể chỉnh sửa, huỷ lệnh, tiền cũng không chảy về tài khoản.

Tôi vừa phải chịu mức phí cao để rút tiền về ngay, nhưng đến khi tài khoản có tiền cũng vẫn chẳng thể mua thêm được "hàng", chỉ biết nhìn tài khoản đỏ rực một màu. Đúng là không ở đâu mà "chơi" nhà đầu tư kiểu kinh khủng như HoSE. Tình trạng nghẽn mạng quá tệ của sàn HoSE khiến nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép mà không biết kêu than với ai". 

Đó chỉ là tình trạng chung của rất nhiều “chứng sĩ” trong vài phiên gần đây.

Trong phiên hôm qua và sang gần hết phiên sáng nay, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng sau thời gian tăng “nóng” vẫn tiếp tục giảm. Đơn cử như mã SGB (Ngân hàng Sài Gòn Công thương) tăng từ mức 14.000 đồng/CP lên 24.000 đồng/CP, tương đương tăng tới 88% giá trị chỉ sau 11 phiên liên tiếp. Thế nhưng, từ đầu tháng 6 đến nay, mã này rơi thẳng đứng, tương đương tới 30% giá trị chỉ sau vài phiên điều chỉnh giảm.

Cùng quãng thời gian này, các mã như VBB (Vietbank), NAB (Nam Á Bank) cũng có mức giảm quanh ngưỡng 30%, mã BVB (Ngân hàng Bản Việt) giảm khoảng 24%, mã ABB (An Bình Bank) giảm gần 22%, mã KLB (Kienlongbank) giảm khoảng 15%, mã STB (Sacombank) giảm gần 17%, thậm chí mã PGB (ngân hàng Petrolimex) còn giảm tới gần 40%... 

Tính riêng trong phiên giao dịch hôm qua, khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng trên thị trường với giá trị 352 tỉ đồng. 

Nhịp điều chỉnh quá mạnh của thị trường làm cho tâm lý nhà đầu tư đang lo lắng nhiều, khi không có thông tin tiêu cực nào tác động lên. Hầu hết các cổ phiếu Bluechip tiếp tục giảm sâu trong ngày hôm nay, càng gây ra lo ngại thị trường đang đi vào nhịp giảm điểm dài hạn.

Tuy nhiên công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng đây chỉ là chu kỳ điều chỉnh bình thường của thị trường, khi vừa qua các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm quá nhanh cần điều tiết lại tạo ra vùng cân bằng giá mới. Do vậy các nhà đầu tư có thể xem đây là cơ hội tốt, cân nhắc mua vào dần những cổ phiếu tốt và giảm mạnh về vùng hỗ trợ ngắn hạn chỉ số tại vùng 1.300 -1.315 điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm