Cổ đông Eximbank bức xúc vì lùm xùm gần 300 tỉ bốc hơi

Tại đại hội cổ đông năm 2018 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) diễn ra sáng 27-4, nhiều cổ đông bức xúc và liên tục chất vấn về trách nhiệm của ban quản trị ngân hàng về việc gần 300 tỉ đồng của khách hàng bị bốc hơi. Đồng thời, cổ đông đặt vấn đề tổng giám đốc (TGĐ) từ chức.

Để mất tiền, trách nhiệm ban lãnh đạo ở đâu?

Ngay khi bước vào phần thảo luận, các câu hỏi của cổ đông chỉ xoay quanh vấn đề trách nhiệm các lãnh đạo Eximbank trong vụ mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình và vụ 50 tỉ đồng tiết kiệm bốc hơi tại Eximbank Đô Lương, Nghệ An. Bởi hai vụ lùm xùm này là nguyên nhân chính dẫn đến giá cổ phiếu của Eximbank trên thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh và uy tín của ngân hàng này cũng bị ảnh hưởng.

Một cổ đông đã đầu tư vào Eximbank từ 34 năm qua bức xúc: “Ban kiểm soát của Eximbank đã ở đâu trong các vụ mất tiền? Vì sao sự việc kéo dài nhiều năm qua, nhân viên làm mất mấy trăm tỉ mà ngân hàng không phát hiện ra?”.

Một cổ đông khác nói thất vọng về cách điều hành của HĐQT, ban TGĐ vì hai vụ mất tiền đã làm uy tín của ngân hàng này lung lay. Thậm chí cổ đông này đặt câu hỏi khá gay gắt: “Liệu sau sự việc bê bối này, TGĐ ngân hàng có từ chức hay không? Ngân hàng phải giải trình rõ nguồn gốc của sự việc, thu hồi đến đâu, chứ không phải chúng tôi đến đại hội cổ đông chỉ để biểu quyết về thù lao cho HĐQT”.

Trả lời những câu hỏi chất vấn của các cổ đông, ông Lê Văn Quyết, TGĐ Eximbank, cho biết vụ việc 50 tỉ đồng bốc hơi tại Eximbank Đô Lương xảy ra từ năm 2013 và kéo dài đến năm 2016; còn vụ việc mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình xảy ra tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM có thể đã thực sự xảy ra từ năm 2010 chứ không phải bây giờ.

Nhìn nhận về vụ việc này, TGĐ Eximbank Lê Văn Quyết giải thích thêm: “Đây là vụ việc vô cùng phức tạp và kéo dài trong thời gian nhiều năm trước đây nhưng được phát giác trong nhiệm kỳ của HĐQT hiện nay và chúng ta phải có trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu để thay mặt cho toàn bộ hệ thống xử lý vụ việc. Qua đó nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và bảo vệ hình ảnh của ngân hàng”.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc có từ chức sau các vụ mất tiền hay không, ông Lê Văn Quyết nói: “Tôi về Eximbank với hợp đồng có hiệu lực trong vòng hai năm và cam kết trong vòng hai năm sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề tồn đọng, đưa Eximbank trở lại vạch xuất phát. Mới đây tôi đã chính thức bày tỏ nguyện vọng với HĐQT nên tìm kiếm nhân sự mới phù hợp hơn với mục tiêu của ngân hàng trong giai đoạn mới”.

Đại diện Ban kiểm soát Eximbank cũng thừa nhận không phát hiện được hai vụ mất tiền lớn vì chứng từ đầy đủ, dung lượng camera giới hạn, chưa kể các giao dịch sau che lấp giao dịch trước…

Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Giải trình sâu về vụ 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình bốc hơi khỏi sổ tiết kiệm, ông Lê Văn Quyết cho biết: Từ cuối tháng 2-2017 đã phát hiện số dư tiền gửi của bà Chu Thị Bình trên hệ thống ngân hàng có sự chênh lệch với số dư thể hiện trên các sổ tiết kiệm mà bà Bình đang giữ.

Ngay khi phát hiện vụ việc, Eximbank đã có đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra để xác minh làm rõ. Ngày 12-6-2017, cơ quan cảnh sát điều tra thông báo cho Eximbank là chữ ký của bà Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật. Đến ngày 7-12-2017, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời có quyết định truy nã đối với ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM, đã bỏ trốn ra nước ngoài.

“Xét thấy các chứng từ rút tiền có chữ ký thật của bà Bình trong khi vụ án chưa có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra nên Eximbank chưa có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiết kiệm theo yêu cầu của bà Bình, nên hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi chờ phán quyết của tòa án, Eximbank vẫn có thiện chí để có thể cùng bà Bình đi đến một thỏa thuận thấu lý đạt tình, đúng quy định của pháp luật” - ông Quyết nêu quan điểm.

Trước đó, vào tối 26-4, tức ngay trước thềm đại hội cổ đông, bà Chu Thị Bình tiếp tục phát đi văn bản yêu cầu Eximbank trả ngay 245 tỉ đồng mà không cần phán quyết của tòa án. Bà Bình cho rằng hành động và việc làm của Eximbank là bất nhất, không tôn trọng chữ tín và thiếu chuẩn mực, cố tình câu giờ nhằm né tránh áp lực trước dư luận và các cổ đông đòi hỏi xem xét trách nhiệm trực tiếp của các thành viên HĐQT và ban lãnh đạo ngân hàng này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 6-4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an và thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với kiến nghị của bà Chu Thị Bình và trả lời cho bà Bình và luật sư.

Biến động nhân sự cao cấp

Một trong những nội dung được quan tâm tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 27-4 là vấn đề bầu bổ sung nhân sự HĐQT. Theo đó, trước thềm đại hội, HĐQT Eximbank thông qua bốn nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT. Tuy nhiên, đến ngày 26-4, ngân hàng này đồng loạt nhận được đơn đề nghị của ba ứng viên thành viên HĐQT xin không tiếp tục tham gia ứng cử vì lý do cá nhân.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ chấp thuận một người trong số bốn ứng viên được đề cử để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank, đó là bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên TGĐ Ngân hàng Nam Á (NamABank). Đồng thời, cổ đông Eximbank cũng đã biểu quyết thông qua.

Bà Cẩm Tú giữ vai trò TGĐ tại NamABank từ tháng 4-2015 và chính thức rút lui khỏi ngân hàng này vào đầu tháng 3 vừa qua. Khi ngồi tại vị trí điều hành ở NamABank, bà Cẩm Tú được biết đến là vị TGĐ trẻ nhất ngành ngân hàng.

Ba năm không chia cổ tức

Tại đại hội, HĐQT Eximbank tiếp tục trình cổ đông thông qua việc dùng phần lớn lợi nhuận để bù đắp lỗ lũy kế và không chia cổ tức. Như vậy, đây là năm thứ ba cổ đông của ngân hàng này không được chia cổ tức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm