Chính sách mới về vay ngoại tệ có thực sự dễ thở hơn

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, quy định cho vay bằng ngoại tệ có thêm nhiều điểm mới.

Theo quy định hiện hành, việc vay vốn bằng ngoại tệ chỉ áp dụng cho doanh nghiệp dùng ngoại tệ vay để thanh toán tiền nhập khẩu vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị và dịch vụ cho nước ngoài phục vụ hoạt động kinh doanh. Hoạt động cho vay này sẽ chấm dứt kể từ ngày 31-12-2018.

Tuy nhiên, theo dự thảo sửa đổi Thông tư 24 về cho vay ngoại tệ mà NHNN vừa ban hành thì việc cho vay ngoại tệ được chi cụ thể hóa theo mục đích sử dụng vốn. Có đối tượng được gia hạn thời gian vay thêm 3-9 tháng nhưng có đối tượng vay ngoại tệ không bị giới hạn về thời gian. 

Nhiều thay đổi

Cụ thể, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước được thực hiện đến hết ngày 31-3-2019. Cùng với mục đích trên nhưng cho vay trung, dài hạn sẽ được thực hiện đến hết ngày 30-9-2019.

Đối với việc cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu được thực hiện không bị giới hạn về thời gian.

Để được lọt vào danh sách những doanh nghiệp đủ điều kiện được vay ngoại tệ thì khách hàng vay phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

NHNN lý giải việc dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu này nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Đồng thời, NHNN cũng cho rằng chính sách cho vay đối với nhu cầu này hoàn toàn không trái với chủ trương hạn chế đôla hóa của Chính phủ và NHNN do cấu trúc và cách thức cho vay đối với nhu cầu này không tạo ra bất kỳ hiện tượng đôla hóa nào đối với nền kinh tế (ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng)...

Một điểm mới khác là khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay có thể thỏa thuận mua ngoại tệ tại chính ngân hàng cho vay hoặc ngân hàng khác.

Các mốc kết thúc một số loại tín dụng ngoại tệ dự kiến sẽ lần lượt khép lại trước tháng 3 và tháng 9-2019.

Đừng dùng mệnh lệnh hành chính

Theo NHNN, quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. Qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018 cho thấy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây chủ yếu do tỉ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi do lãi suất ngoại tệ (USD) vay thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VND.

Vì vậy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, nhất là trong bối cảnh tỉ giá và thị trường ngoại tệ được NHNN điều hành tương đối ổn định.

Ông Hồ Đắc Lam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhựa, cho biết: Mặc dù theo dự thảo của Thông tư 24, doanh nghiệp xuất khẩu thì không giới hạn vay ngoại tệ. Nhưng với những doanh nghiệp nhập khẩu thì NHNN cần phải xem xét một cách thấu đáo, kỹ càng hơn và cần có diễn đàn cho hai bên ngồi lại với nhau.

Bởi nếu ban hành chính sách mà không tham khảo ý kiến của các bên liên quan một cách đầy đủ sẽ dẫn đến nhiều trường hợp dễ bị thiệt thòi. Hay nói cách khác, việc dừng cho vay ngoại tệ như vậy giống mệnh lệnh hành chính nhiều hơn là mang tính thị trường.

“Ngay cả với lãi suất cho vay ngoại tệ hiện cũng tăng cao hơn trước. Nếu cuối năm ngoái, lãi suất vay USD chỉ 2%-2,5%/năm, hiện nay lãi suất vay USD đối với doanh nghiệp lớn đã lên 3,5%-4%/năm. Với những doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ thì có thể sẽ phải vay lãi suất bằng USD lên tới 5%/năm. Hiện lãi suất huy động ngày càng tăng, ắt kéo theo lãi suất cho vay cũng khó có thể đứng im” - ông Lam nói thêm.

Chia sẻ về điểm còn băn khoăn của dự thảo, một số chuyên gia kinh tế cho rằng theo nội dung sửa đổi việc quy định doanh nghiệp nhập khẩu vay USD ngắn hạn phải dừng ở ngày 31-3-2019 và vay trung hạn phải dừng ở ngày 30-9-2019 là khá gấp gáp, chưa rõ ràng cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đã, đang vay và cho vay ngoại tệ.

Hơn nữa, các mốc thời gian này cũng chưa xác minh rõ xem các thời điểm nêu trên là để chấm dứt ký hợp đồng cho vay ngoại tệ mới với các doanh nghiệp nhập khẩu hay là thời điểm để các doanh nghiệp này phải tất toán khoản vay cũ.

Mặt khác, việc phân loại đúng đối tượng và mục đích vay là không hề dễ dàng và đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm