Bung 'phao cứu sinh' cho doanh nghiệp gặp khó vì COVID-19

Với việc ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, các TCTD sẽ có cơ sở chính thức để ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khoản vay đến kỳ hạn phải trả gốc hoặc lãi mà không có khả năng trả đúng hạn. Thông tư này vừa giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19 sẽ sớm được tiếp cận vốn giá rẻ đồng thời cũng là “bệ đỡ” để các TCTD không còn cảnh vừa làm vừa run. 

Theo ông Nguyễn Trọng Du - Phó Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (CQTTGSNH), Thông tư 01 quy định phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải đáp ứng đủ các điều kiện gồm: Thứ nhất, các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Thứ hai, các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến ngày liền sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19. Điều kiện cuối cùng là khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19.

Về miễn giảm lãi và phí, ông Du cho biết các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với các khoản vay, trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, các khoản vay được miễn giảm lãi, phí có nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19. Chính sách miễn giảm lãi và phí cũng phải đi kèm điều kiện khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19.

Đối với quy định giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư 01 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ cho những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay. 

Dựa vào Thông tư 01, các TCTD sẽ phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi dịch COVID-19. Qua đó, các TCTD cũng cần thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN): Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu: Cập nhật đến ngày 4-3-2020, có 23 TCTD báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. 

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đề nghị các TCTD phải có phương án nghiên cứu phân định loại nợ, xác định nợ, đánh giá nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, hoãn, giãn, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ doanh nghiệp ở tình thế khó khăn. Riêng đối với NHCSXH phải xây dựng kịch bản chương trình hành động nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gặp khó khăn và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng dịch COVID-19...

Phó Thống đốc cho biết: NHNN đang phối hợp với bộ, ngành liên quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho cả TCTD và các doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm