Ám ảnh quà tặng, phí gầm bàn khi vay tiền ngân hàng

Kết quả khảo sát đã chỉ ra rằng nếu doanh nghiệp (DN) có chi ra các khoản chi phí lót tay và quà tặng thì xác suất món vay được chấp nhận sẽ tăng từ 17,6 điểm phần trăm đến 24 điểm phần trăm.

Đây là một thực tế đáng báo động được nêu rõ trong báo cáo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017” do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện. Báo cáo này được công bố tại hội thảo với chủ đề “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của DN”, do ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức.

Không lót tay, khó vay tiền

PGS-TS Tô Trung Thành, đại diện nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nêu rõ: Qua điều tra trực tiếp gần 700 DN cho thấy có tới 58% DN được hỏi cho biết đã từng nộp đơn xin vay vốn ngân hàng (NH). Riêng với DN quy mô lớn, tỉ lệ này lên tới 70%.

Tuy nhiên, tiếp cận tín dụng vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất của DN. Đặc biệt DN tư nhân vô cùng khó trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Quy mô DN càng nhỏ thì khả năng đồng ý cho vay vốn của NH càng thấp.

Bên cạnh đó, nếu được vay thì lãi suất cũng đang rất cao, chưa kể đến những chi phí phi chính thức mà DN phải gánh thêm trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng. Đáng lưu ý, ngoài thủ tục vay phức tạp thì rào cản về tài sản thế chấp; lãi suất cao và chi phí lót tay, quà tặng vẫn là những thách thức lớn đối với DN.

Đó là chưa kể trong quá trình xử lý các hồ sơ xin vay, hiện vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử khác nhau giữa các DN nhỏ và các DN lớn; giữa các loại hình DN sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước.

“Xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7-26 điểm phần trăm nếu DN nộp hồ sơ xin vay thuộc DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng 2,3-2,8 điểm phần trăm nếu DN đó là DN thuộc sở hữu nhà nước” - PGS-TS Tô Trung Thành nhấn mạnh.

Ngân hàng nào xây dựng được văn hóa công ty dựa trên sự minh bạch thì rủi ro ít, nợ xấu thấp. Ảnh: TL

Lót tay vì sợ phải vay nóng

Khảo sát từ thực tế chúng tôi cũng nhận thấy phí bôi trơn đang là nỗi ám ảnh với các DN khi vay vốn, nhất là các DN nhỏ.

Ông Nguyễn Lâm, giám đốc một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ tại TP.HCM, chia sẻ: Đầu năm 2017, ông có vay tín chấp 700 triệu đồng tại một NH thương mại có chi nhánh ở TP.HCM. Đến cuối năm, ông được NH này nâng hạn mức của khoản vay tín chấp lên 1 tỉ đồng, tức tăng thêm 300 triệu đồng.

“Nhưng để được vị giám đốc chi nhánh của NH này phê duyệt vay tiếp cũng như nâng mức vay tín chấp, tôi phải chi tiền mua quà tặng, ăn nhậu và phong bì cho cả hai lần hết hơn 60 triệu đồng” - ông Lâm kể.

Cũng theo ông Lâm, trong khi các NH cho vay phổ biến ở mức 11%-12,5%/năm thì vay nóng bên ngoài lãi suất thường bị đội lên gấp nhiều lần. Ngay cả khi vay nóng của bạn bè hoặc quen biết, không cần thế chấp và người được vay với tâm thế mang ơn, lãi suất cũng lên đến 5%-7%/tháng. “Do vậy, dù có phải trả thêm phí lót tay thì vay NH vẫn rẻ hơn so với đi vay nóng” - ông Lâm nói thêm.

Kỷ luật người nhận lót tay

Bà Nguyễn Thảo Loan, một tiểu thương ở quận 1, TP.HCM, cho rằng đã ra kinh doanh làm ăn thì đa số phải vay vốn NH. Khi vay chẳng ai muốn phải chịu thêm chi phí bôi trơn, lót tay. Nhưng không quà cáp thì khó vay, mà không vay được NH thì buộc phải vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ.

“Những người đi vay thường rỉ tai nhau về quy luật sức nặng của phong bì tỉ lệ thuận với giá trị của khoản vay” - bà nói thẳng.

Đứng từ góc độ của NH, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), cho biết: “Trong thực tế chúng tôi đã xử lý kỷ luật, cho nghỉ việc một số nhân viên bị phát hiện nhận hoa hồng từ khách hàng”.

Ông Văn phân tích thêm: Với những khách hàng có điểm tín dụng không tốt, tài sản bảo đảm yếu, khả năng được phê duyệt hồ sơ vay sẽ rất thấp. Trong trường hợp này, thông thường trong DN chấp nhận đưa phí bôi trơn cho lãnh đạo, nhân viên NH… Bởi vậy, để những câu chuyện buồn tương tự vậy không tái diễn thì lãnh đạo NH phải làm gương.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB), cho biết: Theo quy trình, để phê duyệt một khoản vay cần phải có nhiều người cùng “soi” hợp đồng, đồng thời phải có sự kiểm tra độc lập giữa bộ phận thẩm định tài sản với bộ phận định giá tài sản; giữa bộ phận xét duyệt hồ sơ vay vốn với người viết tờ trình. Tiếp đến phải qua cửa của ban kiểm soát rủi ro xem xét…

“Với một hồ sơ đi từ người phụ trách hồ sơ cho đến người phê duyệt cuối cùng sẽ trải qua rất nhiều khâu, việc lót vay sẽ bị vô hiệu hóa. NH nào xây dựng được văn hóa công ty dựa trên sự minh bạch thì rủi ro ít, nợ xấu thấp” - ông Toại nhấn mạnh.

Vậy tại sao DN, khách hàng vẫn kêu trời vì phải bôi trơn, ông Toại cho rằng phần lớn những khách hàng rơi vào trường hợp này có thể vì họ cảm thấy hồ sơ vay vốn của họ không an toàn. Nếu nhân viên NH có đạo đức kinh doanh, họ phải tư vấn cho khách hàng các khoản vay và cảnh báo rủi ro cho NH. Còn nếu nhân viên NH cứ nhắm mắt nhận tiền lót tay của DN thì tương lai sẽ gánh hậu quả nặng. “Xin nhấn mạnh nếu bất cứ khách hàng muốn một khoản vay có sự lót tay thì chúng tôi sẽ không chấp nhận” - ông Nguyễn Thanh Toại nhấn mạnh.

Lợi nhuận teo tóp, thua lỗ gia tăng

Theo báo cáo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017” do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện, tỉ trọng vốn của DN tư nhân cao nhất trong các loại hình DN, chiếm 40,5%. Điều này phản ánh những nỗ lực đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thặng dư của DN đang trên đà suy giảm. Nếu trước đó 1 đồng gia tăng trong vốn của DN sẽ kéo theo 0,33 đồng thặng dư sản xuất thì hiện nay chỉ còn lại 0,2 đồng thặng dư sản xuất.

Nhức nhối hơn, tỉ lệ DN tư nhân kinh doanh thua lỗ tăng rất nhanh, chiếm gần 50%. Tuổi thọ bình quân của DN tư nhân, nhất là các DN vừa và nhỏ rất non trẻ.

Trong tổng số DN của Việt Nam hiện nay có trên 90% là DN tư nhân. Trong DN tư nhân có tới 96% là DN vừa và nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm