21 nhà băng thanh toán hết trái phiếu đặc biệt tại VAMC

Theo thống kê của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hiện đã có 21 tổ chức tín dụng thanh toán hết trái phiếu đặc biệt (TPĐB) tại VAMC.

VAMC cho biết, lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2020, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB đạt trên 374.000 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 342.000 tỉ đồng.

Quá trình mua nợ xấu tập trung phần lớn ở những năm VAMC mới thành lập nên thời gian gần đây doanh số mua nợ bằng TPĐB của VAMC có xu hướng giảm.

Chẳng hạn như năm 2020, chỉ tiêu kế hoạch mua nợ bằng TPĐB tối đa là 15.000 tỉ đồng và VAMC đã thực hiện được 14.700 tỉ đồng.

Xu hướng này cho thấy hoạt động mua nợ xấu bằng TPĐB đã thực sự là một giải pháp hữu hiệu giúp cho các tổ chức tín dụng (TCTD) nhanh chóng lành mạnh hóa tình hình tài chính, giảm được tỷ lệ nợ quá hạn, qua đó cũng góp phần hỗ trợ tích cực đối với nền kinh tế đất nước. 

Hiện đã có 21 tổ chức tín dụng thanh toán hết trái phiếu đặc biệt tại VAMC.

Bên cạnh việc mua nợ bằng TPĐB, VAMC cũng đẩy mạnh việc xử lý các khoản nợ đã mua thông qua các biện pháp phối hợp với TCTD cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng có triển vọng vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh...

Nhờ vậy, lũy kế từ khi thành lập đến 31-12-2020, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD xử lý trên 290.000 tỉ đồng đồng nợ xấu, thu hồi nợ của VAMC đạt gần 167.000 tỉ đồng.

Với sự nỗ lực của VAMC và các TCTD, tính đến ngày 31-12-2020 đã có 21 tổ chức tín dụng thanh toán hết TPĐB tại VAMC. Chỉ tính riêng năm 2020, có 8 TCTD đã thanh toán hết TPĐB là Vietinbank, BIDV, MSB, HDBank, BanVietBank,VietABank, VietBank, LienVietPostBank. 

Hiện, VAMC còn đang quản lý nợ xấu của 18 TCTD với trên 91.700 tỉ đồng mệnh giá TPĐB.

Việc sớm xử lý được toàn bộ nợ xấu VAMC cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các nhà băng trong bối cảnh đại dịch COVID -19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng.

Bởi nếu vẫn để nợ xấu tại VAMC, định kỳ hàng năm, các ngân hàng sẽ buộc phải trích lập chi phí dự phòng 20% giá trị TPĐB đối với kỳ hạn 5 năm và trích lập chi phí dự phòng 10% đối với kỳ hạn 10 năm. Điều này chắc chắn sẽ gây ra áp lực không nhỏ đối với những ngân hàng đang có lợi nhuận khiêm tốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm