Yêu cầu làm thêm xét nghiệm, bác sĩ có... "vẽ chuyện"?

Từ chuyện mổ hay không mổ?

Một bệnh nhân nam, một bên chân thường bị co cứng cơ khi đi vài chục mét và một bên tay bị tê nhiều. Các bác sĩ ở Mỹ khám và kết luận anh ấy bị thoát vị đĩa đệm ở thắt lưng, dự định mổ lấy khối thoát vị theo phương pháp xâm lấn tối thiểu (dùng một ống nhỏ đưa vào rồi mổ bằng mắt thường hoặc kính hiển vi phẫu thuật). Do không có bảo hiểm, giá mổ ở Mỹ quá cao, lại nghe nói ở Việt nam có mổ nội soi nên anh ấy về Việt nam để mổ nội soi.

Khám cho anh ấy, triệu chứng không đơn thuần là của thoát vị đĩa đệm lưng, mà là phức hợp của triệu chứng thoát vị đĩa đệm kèm hẹp ống sống thắt lưng, dấu hiệu thương tổn tủy không rõ vị trí, đồng thời với dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh của cổ (thường do thoát vị đĩa đệm cổ gây ra), đã gây yếu cơ tay khá nhiều.

Sau khi thực hiện Xquang và MRI cột sống cổ và thắt lưng, đo điện cơ, kết quả cho thấy có hẹp ống sống (phức hợp thoát vị đĩa đệm, phì đại dây chằng và mấu khớp cột sống) vùng cột sống thắt lưng, đúng cái chỗ mà các bác sĩ Mỹ định mổ. Ngoài ra thì có 2 tầng thoát vị đĩa đệm cổ, phù hợp với dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh của cột sống cổ trên lâm sàng. Như vậy, có thể nghĩ rằng thương tổn tủy có thể là do thoát vị đĩa đệm cổ gây ra.

Yêu cầu làm thêm xét nghiệm, bác sĩ có... 'vẽ chuyện'?

Tuy nhiên, có một chút không giải thích được, kết quả điện cơ không phù hợp. Có vẻ như thương tổn tủy không phải do thoát vị đĩa đệm cổ gây ra. Đồng thời, triệu chứng của chân cũng không phù hợp lắm với cái vụ hẹp ống sống thắt lưng. Nếu bây giờ mà mổ thắt lưng thì nguy cơ thất bại là rất cao. Lại phải làm thêm MRI và CTScan cho cột sống ngực.

Một căn bệnh mới được phát hiện: cốt hóa dây chằng vàng cột sống ngực chèn ép tủy gây nhồi máu tủy ngực, một căn bệnh hiếm gặp hơn nhiều so với thoát vị đĩa đệm hay hẹp ống sống, đồng thời nguy cơ biến chứng do mổ rất cao. Chẩn đoán này giúp làm sáng tỏ tất cả các vấn đề còn lại, giải thích được tất cả các vấn đề gặp được trên lâm sàng.

Có lẽ câu chuyện hơi khó hiểu, toàn là từ chuyên môn. Tôi xin tóm tắt lại như thế này: bệnh nhân được các bác sĩ ở Mỹ chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thắt lưng và dự định mổ, về Việt Nam khám và phát hiện thêm thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và bệnh cốt hóa dây chằng vàng ở cột sống ngực.

Kế hoạch đưa ra là sẽ mổ bệnh cốt hóa dây chằng vàng trước vì tủy đã bị nhồi máu nặng, sau đó vài tuần mổ thoát vị đĩa đệm cổ, còn thắt lưng thì hiện tại không cần mổ.

Vấn đề là làm sao giải thích cho bệnh nhân hiểu. Bệnh nhân từ Mỹ về Việt Nam, chỉ để mổ cột sống thắt lưng bằng nội soi, bây giờ lại quyết định mổ một cái khác. May mà bệnh nhân dễ tính, và tin tưởng. Nhưng bệnh nhân lại yêu cầu, mổ gì cũng được, nhưng phải mổ cái lưng cho anh ấy, vì bác sĩ Mỹ đã khám, đã chẩn đoán và đã quyết định mổ. Đành phải đánh bài… câu giờ, rằng sau cuộc mổ thứ 2 sẽ xem xét lại vụ đó.

Ngay sau cuộc mổ giải ép cốt hóa dây chằng vàng cột sống ngực vài giờ, bệnh nhân lo lắng rằng chân anh ấy không đỡ. Ngày hôm sau anh ấy vui mừng và đến ngày thứ 3, anh ấy đã đồng ý là sẽ không mổ cột sống thắt lưng nữa.

Đây là một trường hợp thành công. Người ta hay nói rút kinh nghiệm với ý rút ra được những kinh nghiệm từ những thất bại, hoặc thất bại là mẹ thành công. Nhưng tôi cho rằng thành công cũng có thể là cha của thành công, và cũng vẫn có thể có nhiều cái để rút kinh nghiệm.

Khi bệnh nhân “bàn giao” lại chẩn đoán bệnh…

Ngoài những câu nghe rất sáo rỗng như phải khám lâm sàng kĩ lưỡng, phải chỉ định cận lâm sàng hợp lí… thì một điều rất quan trọng của người thầy thuốc là không được để bất cứ điều gì tạo áp lực lên suy nghĩ, lên hướng chẩn đoán của mình, cho dù đó là ý kiến của thầy mình, hay của những bậc “danh gia vọng tộc” trong ngành.

Người thầy thuốc không được phép có định kiến trong chẩn đoán bệnh. Hãy chỉ dựa vào những gì mình ghi nhận được hoặc những bằng chứng khách quan. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không coi ý kiến của đồng nghiệp ra gì, mà điều đó sẽ phải được tham khảo, sau khi chúng ta đã có chẩn đoán của mình.

Điều quan trọng tiếp theo là hãy đi đến tận cùng của vấn đề, cho dù còn một chút gì nho nhỏ chưa được minh bạch, chưa được giải thích một cách hợp lí, hãy cố gắng chứng minh nó, cố gắng giải thích nó. Không phải lúc nào chúng ta cũng thành công nhưng với tư duy và hành xử như vậy, chúng ta sẽ hạn chế tối đa những chẩn đoán sai, những thất bại đau đớn trong điều trị.

Không biết như vậy có phải tôi tự cao không, nhưng theo ý kiến riêng tôi thì người thầy thuốc luôn phải độc lập trong suy nghĩ, trong tư duy, và không được “tin tưởng tuyệt đối” vào ai cả. Trong câu chuyện của tôi, chưa hẳn là tất cả những gì người bệnh nói về các bác sĩ Mỹ là chính xác hết. Có thể họ chưa cho anh ấy biết tất cả, có thể có rào cản ngôn ngữ, và cũng có thể, do vấn đề kinh phí giới hạn mà họ chỉ tập trung giải quyết vấn đề quan trọng nhất mà thôi, trong khi lúc đó chưa phải lúc toàn phát để thấy được các dấu hiệu quan trọng khác.

"Tôi vẫn thường nói với bệnh nhân, rằng tôi không thể điều trị cho họ bằng chẩn đoán của một bác sĩ khác, nhất là khi chẩn đoán ấy lại được người bệnh “bàn giao” lại. Nếu bạn đã khám bệnh ở đâu đó rồi, đã có chẩn đoán rồi, và bạn lại đến một bác sĩ khác, bạn hãy vui lòng mang theo tất cả hồ sơ mà bạn có, để các thầy thuốc thẩm tra lại. Và hãy đừng vội kết luận là các thầy thuốc “vẽ” khi yêu cầu các bạn làm thêm xét nghiệm nào đó" - BS. Võ Xuân Sơn.

Thỉnh thoảng chúng tôi bị một số người bệnh cho là “vẽ” khi yêu cầu làm xét nghiệm này xét nghiệm khác, hoặc họ yêu cầu làm cái này mà cứ thuyết phục họ làm cái khác. Tôi không biết có bao nhiêu bác sĩ hành xử theo kiểu “vẽ” nhưng tôi biết là chúng tôi thường xuyên bị oan. Xin các bạn hãy đừng vội nghi ngờ các thầy thuốc. Chúng tôi cố gắng kiên trì giải thích nhưng không ít lần chúng tôi bị những câu nói thật sự rất xúc phạm, làm buồn lòng người nghe.

Một trong các vấn đề mà chúng tôi thường gặp là người bệnh mang một chẩn đoán bệnh của một bác sĩ nào đó đến và yêu cầu chúng tôi điều trị. Các bạn hãy hiểu rằng chúng tôi sẽ chỉ điều trị khi chúng tôi có chẩn đoán của riêng mình. Ngay cả khi các bạn mang cái chẩn đoán của bác sĩ khác đến thì chúng tôi vẫn phải xem xét lại tất cả những gì mà bác sĩ ấy đã làm để có chẩn đoán đó, và chúng tôi chỉ điều trị theo chẩn đoán đó khi nào chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chẩn đoán đó mà thôi.

Tôi vẫn thường nói với bệnh nhân, rằng tôi không thể điều trị cho họ bằng chẩn đoán của một bác sĩ khác, nhất là khi chẩn đoán ấy lại được người bệnh “bàn giao” lại. Nếu bạn đã khám bệnh ở đâu đó rồi, đã có chẩn đoán rồi, và bạn lại đến một bác sĩ khác, bạn hãy vui lòng mang theo tất cả hồ sơ mà bạn có, để các thầy thuốc thẩm tra lại. Và hãy đừng vội kết luận là các thầy thuốc “vẽ” khi yêu cầu các bạn làm thêm xét nghiệm nào đó.

Tôi thường xuyên tư vấn trực tiếp trên Đài phát thanh, hoặc tư vấn qua điện thoại, email… Rất nhiều bạn hỏi tôi, tôi bị bệnh A, điều trị làm sao, tôi bị bệnh B, mổ hết bao nhiêu tiền… Thành thật xin lỗi các bạn, rất khó để trả lời những câu hỏi như vậy. Ngoài chuyện xác định chẩn đoán thì mỗi cá thể có những nét riêng biệt khác nhau, cho nên việc áp dụng các cách điều trị khác nhau cho cùng một loại bệnh là chuyện thường gặp.

Trong xã hội ngày nay, khi người bệnh đi khám chữa bệnh, có rất nhiều vấn đề mà chỉ cần một chút định kiến, việc làm của các thầy thuốc sẽ được hiểu theo một hướng khác hẳn so với cái hướng mà họ định đi ban đầu. Điều này đôi khi làm một số thầy thuốc dừng lại không đi nữa, số khác lại có thể rẽ sang ngang. Hậu quả cuối cùng thường là người bệnh gánh chịu.

Theo BS. Võ Xuân Sơn (Sức khỏe và Đời sống)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm