Xử lý nhanh sự cố sức khỏe trong ngày Tết

. Anh Trần Văn Hùng (24 tuổi, ở Long An) hỏi: Tôi bị té xe, trầy xước chân và tay nhưng nón bảo hiểm còn nguyên. Tôi bị choáng khoảng 20 giây. Sau khi té xe độ bốn tiếng, tôi không đau đầu, không buồn nôn. Vậy tôi có nên chụp CT scan đầu không?

+ ThS-BS Khâu Minh Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM), trả lời:

Căn cứ những điều anh Hùng mô tả thì khả năng anh không bị chấn thương vùng đầu và mặt, cũng không bị chấn thương sọ não. Do vậy, anh không cần chụp CT đầu.

Tuy nhiên, anh cần nghỉ ngơi và theo dõi các triệu chứng đau đầu, buồn nôn nếu có.

Bác sĩ BV Nhân dân 115 (TP.HCM) đang xem kết quả chụp CT scan của một bệnh nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC

. Chị Nguyễn Hoàng Oanh (36 tuổi, ở TP.HCM) hỏi: Trong những ngày Tết, nên mua sẵn một số loại thuốc nào để sử dụng khi cần? Tôi nghĩ ngoài Paracetamol và Berberin, cần thêm loại thuốc nào nữa không?

Tôi nghe nói không nên uống Berberin khi bị tiêu chảy, có đúng không?

+ ThS-BS Khâu Minh Tuấn: Ngày Tết, thời tiết nắng nóng ở miền Nam hoặc lạnh giá ở phía Bắc dễ khiến mọi người bị cảm cúm. Tết cũng là dịp tiệc tùng với gia đình, bạn bè nên nguy cơ bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm có khả năng xảy ra.

Do vậy, chị Oanh chuẩn bị hai loại thuốc trên là rất tốt. Đối với Berberin, tác dụng lâm sàng phổ biến là chống tiêu chảy do vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột.

Người lớn dùng liều 2-4 viên (loại 50 mg) mỗi lần, ngày hai lần. Thời gian dùng tùy thuộc vào tình trạng bệnh và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp dùng kết hợp với các loại thuốc khác thì uống cách xa 1-2 giờ.

Muốn cho trẻ uống Berberin cần tham khảo ý kiến bác sĩ, bởi thuốc này hiện vẫn chưa có chỉ định dùng cho trẻ em.

Khi bị tiêu chảy, người bệnh sẽ bị mất nước và các chất điện giải. Do vậy, cần bù đủ để lấy lại lượng dịch đã mất bằng cách uống các loại nước có chứa chất điện giải như Oresol, Hydrite, nước dừa tươi, chanh muối…

. Chị Trần Thị Thanh Hương (30 tuổi, ở Đồng Nai) hỏi: Chồng tôi đi nhậu về và ói ra máu tuy không nhiều. Tôi nói anh nên đi BV nhưng chồng tôi không đi bởi những lần trước cũng bị như vậy. Nếu để tình trạng trên kéo dài, liệu có nguy hại không?

+ ThS-BS Khâu Minh Tuấn: Chồng chị Hương có thể do nôn ói nhiều lần nên làm xây xát thực quản, gây chảy máu tiêu hóa. Trong trường hợp này, thường là lượng máu ít kèm chút đàm nhớt. Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi.

Tuy nhiên, ở những người nghiện rượu có khả năng bị viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc xơ gan gây giãn tĩnh mạch thực quản. Hiện tượng trên có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa với tình trạng nặng nề hơn. Do đó, chị nên khuyên chồng khám bệnh để bác sĩ tầm soát các nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa.

. Anh Võ Thanh Minh (24 tuổi, ở Bình Dương) hỏi: Tôi đi xe khách suốt hai ngày và có dán miếng chống say xe. Khi xuống xe, tôi lột bỏ. Hai ngày sau, mắt tôi bị mờ và đồng tử giãn (bên dán miếng dán). Ngoài ra không còn triệu chứng nào khác. Giờ tôi phải làm sao?

+ ThS-BS Khâu Minh Tuấn: Thông thường miếng dán say xe có tác dụng tại chỗ và không làm giãn đồng tử. Tình trạng của anh có thể do một bệnh lý khác. Do vậy, anh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

. Chị Đỗ Thị Thanh Xuân (44 tuổi, ở TP.HCM) hỏi: Ba hôm trước, buổi sáng tôi va đầu vào cột xi măng. Đầu giờ chiều, tôi chóng mặt và buồn nôn. Do không bớt nên sáng hôm sau tôi đi BV.

Sau khi thử máu và chụp CT scan, bác sĩ kết luận tôi không bị nghiêm trọng, chỉ chóng mặt tư thế nên cho thuốc uống. Thế nhưng ba ngày sau tôi vẫn còn chóng mặt, vậy tôi có cần đi khám nữa không?

+ ThS-BS Khâu Minh Tuấn: Chị Xuân đã được bác sĩ thăm khám và chụp CT scan sọ não nhưng chưa phát hiện bất thường. Do vậy, chị có thể an tâm một phần. Triệu chứng đau đầu và chóng mặt ở bệnh nhân chấn thương đầu (không phải chấn thương sọ não) có thể kéo dài đến một tuần hoặc hơn.

Tuy nhiên, cũng có ít trường hợp xuất huyết nội sọ có thể diễn tiến muộn vài ngày sau chấn thương. Đặc biệt ở những người lớn tuổi. Vì vậy, nếu xảy ra các triệu chứng đau đầu dữ dội, nôn ói thành vòi, lơ mơ thì đi đến bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh ngay.

. Chị Đinh Hồng Nga (28 tuổi, ở Bà Rịa-Vũng Tàu) hỏi: Tôi sắp về quê ăn Tết nhưng bị say xe dữ lắm. Tôi ra tiệm mua thuốc và người bán đưa cho hai loại Nautamine và Buscopan. Người bán nói uống kết hợp hai loại này thì đi xe êm lắm. Không biết có đúng không?

+ ThS-BS Khâu Minh Tuấn: Nautamine giúp chống say xe. Riêng Buscopan làm giảm co thắt cơ trơn. Thuốc này thường được sử dụng ở những bệnh nhân đau do co thắt cơ trơn. Chẳng hạn đau bụng do tiêu chảy, do viêm dạ dày hoặc do đau quặn thận. Do vậy, chị Nga không cần uống thêm thuốc Buscopan.

Một số thuốc khác cũng có tác dụng làm giảm chóng mặt, chống say xe như Acetyl-DL-leucine, Cinnarizine…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm