Xém mất hai bàn chân vì sưởi đèn đá muối

Ngày 2-4, thông tin từ BV Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cho biết nơi đây đang điều trị cho bệnh nhân PVP, 52 tuổi, quê Bắc Kạn, bị bỏng sâu hai gan bàn chân do dùng đèn đá muối.

Ông P. nhập viện trong tình trạng hai lòng bàn chân bị lột da, phần gót chân đã bắt đầu hoại tử. Ông cho biết ông bị tiểu đường tuyp 2 cách đây 10 năm,  thường xuyên bị tê bì, nhức mỏi tay chân.

Cách đây hai tháng, ông được người thân mua tặng bộ đèn đá muối đặt chân với lời quảng cáo đèn này trị được các triệu chứng tê bì, mang lại giấc ngủ ngon, sâu hơn.

Dù đều đặn sử dụng đèn mỗi ngày theo hướng dẫn nhưng các triệu chứng tê bì của ông P. vẫn không hề thuyên giảm. Lần sử dụng gần nhất đã khiến ông nhập viện cấp cứu vì bàn chân bị bỏng nhiệt nặng nề.

BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân BV Nội tiết Trung ương, cho biết bệnh nhân không chỉ bị bỏng diện rộng ở vùng lòng bàn chân mà vết thương còn “ăn sâu” khiến việc điều trị khó khăn.

Các bác sĩ đã phải cắt lọc vết thương, thay rửa và sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân, song song với việc điều trị đường huyết. Đến nay, sức khỏe của ông P. dù đã ổn định tuy vậy BS Thiện cho biết bệnh nhân vẫn phải điều trị hơn một tháng mới có thể hồi phục.

Qua đây, BS Nguyễn Ngọc Thiện khuyến cáo các bệnh nhân tiểu đường không nên áp dụng những sản phẩm này để điều trị triệu chứng tay chân tê bì.

“Người mắc tiểu đường thường kiểm soát đường máu không tốt, không cảm nhận được nhiệt độ cao thấp. Do vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một lần không có người thân kiểm soát giúp nhiệt độ là có thể dẫn tới bỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe” - BS Thiện nói.

Tại khoa Chăm sóc bàn chân, mỗi tháng các bác sĩ thường phải tiếp nhận và xử lý 2-3 ca mắc tiểu đường bị bỏng với những mức độ nặng nhẹ khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp do ngâm, sưởi chân.

Cũng theo BS Thiện, hầu hết bệnh nhân chỉ đi khám khi đã có biến chứng nặng, do đó quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều so với các vết bỏng thông thường. Các bác sĩ không chỉ tích cực cắt lọc, chăm sóc vết thương hoại tử mà còn phải kiểm soát đường huyết cũng như dùng thuốc hỗ trợ nuôi dưỡng vùng tổn thương, kích thích da tự mọc, hạn chế tối đa xuất hiện thêm vết thương.

Thực tế không ít bệnh nhân vì nhập viện muộn hoặc sử dụng thuốc Nam để chữa trị khiến vết thương bị nhiễm khuẩn nặng, hoại tử trên vùng rộng và phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm