Vụ tay không bắt rắn hổ chúa: Không phải thợ chuyên nghiệp

Sáng 20-8, liên quan đến tình trạng sức khỏe của người đàn ông tay không bắt rắn hổ chúa bị cắn nhập viện ngày 19-8, BS Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết bệnh nhân PVT đã tỉnh. Sức cơ tứ chi của bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, làm theo y lệnh của bác sĩ được, đồng tử đã về tình trạng bình thường, mắt có phản xạ ánh sáng tốt.

Bệnh nhân không còn cần sử dụng máy thở, tự thở được qua ống nội khí quản, hiện đang được theo dõi sát các biến chứng tim mạch, viêm mô tế bào tiến triển, nhiễm trùng vết cắn.

Do lượng nọc độc phóng thích vào cơ thể nhiều nên bệnh nhân đã được truyền 15 lọ huyết thanh kháng nọc rắn, chia làm hai lần.

Anh PVT bị rắn cắn hổ chúa vào vùng đùi đã tỉnh, cử động được tay chân. Ảnh: AM

Anh Hoàng, người nhà bệnh nhân, cho biết hoàn cảnh gia đình anh T. khá khó khăn. Anh T. có vợ và hai con nhỏ, ai thuê gì vợ chồng anh làm nấy như giãy cỏ, thợ hồ, anh cũng không phải là thợ bắt rắn chuyên nghiệp. Mới đây, anh T. còn bị tai nạn mổ chân để bắt vít cố định chưa được bao lâu.

Lúc tai nạn rắn cắn xảy ra, anh T. cùng con đang đi giãy cỏ thuê ở dưới chân núi ở Núi Bà Đen (Tây Ninh) thì bất ngờ thấy con rắn. “Thấy con rắn, nghĩ bắt được bán cũng được 2, 3 triệu nên nó quay lại bắt, ai ngờ bị cắn” - anh Hoàng kể.

Trước đó, vào 12 giờ 45 phút, anh PVT (38 tuổi, sống ở Tây Ninh) được đưa vào BV Chợ Rẫy trong tình trạng bị rắn hổ chúa cắn vào vùng đùi bên phải kèm theo con rắn dài khoảng hơn 2,5m, nặng 4,6 kg bị cột chặt miệng và đã chết. Bệnh nhân rơi vào tình trạng rất nguy kịch khi bị liệt hoàn toàn tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng. Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, điều trị tích cực và truyền huyết thanh kháng nọc rắn. 

 

Theo BS Nguyễn Ngọc Sang, rắn hổ chúa là loài rắn to lớn, có độc tính cao. Khi bị lượng độc tiêm vào cơ thể lớn có thể gây tử vong nhanh chóng khi người bị cắn chưa kịp đến cơ sở y tế. Nọc rắn phát tán nhanh chóng làm cho nạn nhân liệt tứ chi và liệt cơ hô hấp, suy đa phủ tạng nhanh. Bệnh nhân cần được sơ cứu và truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn sau đó dù giải quyết được tình trạng liệt cơ và hô hấp nhưng có thể đối diện nhiều biến chứng từ 24 đến 48 tiếng sau do nọc rắn tấn công vào cơ tim làm hủy cơ tim, suy tim cấp. Bên cạnh đó, lượng nọc tiêm vào vết cắn nhiều có thể làm viêm mô tế bào tiến triển, sưng phù hoại tử cơ. Các cơ bị hủy vô tình phóng thích men ồ ạt có thể làm cho bệnh nhân bị suy thận cấp.

Vụ tay không bắt rắn hổ chúa: Không phải thợ chuyên nghiệp ảnh 2
Anh PVT đem con rắn quấn chặt ở tay đến bệnh viện cầu cứu. Ảnh: HG

BS Sang khuyến cáo khi đi vào những vùng rừng núi, bụi rậm, người dân nên sử dụng các loại giày cao su, dùng gậy để khua và đánh động các loại rắn tránh xa. Rắn hổ chúa có đặc tính có thể chủ động tấn công khi bị xâm phạm lãnh thổ nên càng nguy hiểm.

Khi lỡ bị rắn cắn, tốt nhất cần ra khỏi khu vực nguy hiểm càng sớm càng tốt, nên hạn chế cử động vùng bị cắn, tránh làm khuyếch tán nọc độc và đến cơ sở y tế gần nhất. Bệnh nhân nếu không mang rắn được tới bệnh viện thì có thể chụp hình hoặc quan sát loại rắn cắn mình để giúp cho bác sĩ khai thác thông tin dịch tễ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm