Vụ pate Minh Chay: Điều tra nguyên nhân ở khâu sản xuất

Ngày 3-9,PLO đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) về việc pate Minh Chay có vi khuẩn Clostridium botulinum làm hàng chục người bị ngộ độc, phải nhập viện.

. PV: Hàng chục người đã bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới, hiện việc phối hợp xử lý, khắc phục sự cố đến đâu rồi, thưa ông?

. Ông Nguyễn Như Tiệp: Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ NN&PTNT đã lập tức có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố, Ban an toàn thực phẩm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh kiếm tra, rà soát việc phân phối sản phẩm pate Minh Chay trên thị trường để thu hồi, tiêu hủy theo đúng quy định.

Pate Minh Chay có chứa độc tố. Ảnh: NAFIQAD

Đối với Sở NN&PTNT Hà Nội, đơn vị báo cáo đã xử phạt công ty này 17,5 triệu đồng, đình chỉ sản xuất và yêu cầu công ty báo cáo đầy đủ số lượng sản phẩm, khối lượng sản phẩm bị vi phạm an toàn thực phẩm để liên tục cung cấp cho các tỉnh, thành phố thu hồi triệt để.

Cạnh đó, yêu cầu công ty rà soát lại hồ sơ và quá trình để xác định xem khâu sản xuất bị nhiễm vi khuẩn từ đâu. Khi biết nguyên nhân rồi phải áp dụng các biện pháp khắc phục và báo cáo với Sở NN&PTNT Hà Nội để chúng tôi cùng Sở NN&PTNT Hà Nội xem xét biện pháp khắc phục đó đã ổn chưa. Nếu chưa ổn thì chưa cho sản xuất trở lại.

. Hiện đã tìm được nguyên nhân gây ngộ độc chưa, thưa ông?

. Ông Nguyễn Như Tiệp: Hiện doanh nghiệp đang điều tra nguyên nhân để báo cáo Sở NN&PTNT Hà Nội. Vấn đề quan trọng là phải tìm ra được chính xác nguyên nhân là từ nguyên liệu hay từ quá trình chế biến, từ con người hay từ thiết bị... Việc xác định nguyên nhân cần có thời gian và phải làm rất khoa học, nếu không sẽ không khắc phục được và khó tránh tiếp tục vi phạm.

. Để xảy ra sự việc như thế này, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm chính, thưa ông?

. Ông Nguyễn Như Tiệp: Về nguyên tắc, khi người sử dụng sản phẩm bị ngộ độc, vào bệnh viện thì ngành y tế có trách nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm, điều tra dịch tễ. Khâu kinh doanh, phân phối sản phẩm sao cho đảm bảo an toàn thực phẩm cũng là trách nhiệm của ngành y tế.

Bệnh nhân thứ sáu điều trị tại BV Chợ Rẫy TP.HCM do ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pate Minh Chay. Ảnh: BVCC

Ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm về mặt sản xuất. Ở đây, Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới thuộc quản lý của Sở NN&PTNT Hà Nội. Cụ thể, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, điều tra điều kiện an toàn thực phẩm là của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội. Trong trách nhiệm của mình, Chi cục đã yêu cầu doanh nghiệp dừng sản xuất, yêu cầu doanh nghiệp điều tra xác định nguyên nhân và khắc phục.

Trong vụ việc này, ngành y tế và ngành nông nghiệp có trách nhiệm cùng phối hợp để xử lý.

. Việc để doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm liệu có phải là kẽ hở để họ vi phạm không, thưa ông?

. Ông Nguyễn Như Tiệp: Việc doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm là đúng theo quy định của Chính phủ trên tinh thần cải cách hành chính, cởi trói cho doanh nghiệp. Ở nước nào cũng vậy, kể cả Việt Nam, trách nhiệm đảm bảo chất lượng thực phẩm là người sản xuất, người kinh doanh chịu trách nhiệm đầu tiên. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giám sát, thanh tra dấu hiệu vi phạm và xử lý nếu vi phạm.

. Ông có cho rằng chế tài xử phạt cần mạnh hơn để tăng tính răn đe?

. Ông Nguyễn Như Tiệp: Hiện cơ chế xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ theo Nghị định 115 của Chính phủ. Theo như tôi được biết, ngành y tế đã chuyển hồ sơ vụ việc cho công an điều tra.

. Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm