Vụ nữ sinh bị cưa chân: Bệnh viện có vi phạm chuyển tuyến?

Ngày 18-3, chúng tôi đặt câu hỏi về sự việc nữ sinh Lê Thị Hà Vi (SN 2000, ngụ xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) bị cưa chân vì có phần chậm trễ trong chuyển tuyến của BV Đa khoa Cư Kuin.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết việc xảy ra các sai sót chuyên môn trong ngành y tế là khó tránh khỏi. Luật Khám chữa bệnh đã có những quy định rất rõ về việc chuyển tuyến.

Trong trường hợp bệnh nhân Hà Vi, việc đấy liên quan đến hai vấn đề. Một là do BV không muốn mất một khoản BHYT do bệnh nhân chuyển đi thì BHYT cũng chuyển theo. Thứ hai, trong phạm vi BV làm được, kỹ thuật này thuộc tuyến của BV thì BV phải có trách nhiệm điều trị, trừ trường hợp vượt quá khả năng thì mới chuyển lên.

“Xác định chuyển tuyến sai hay không sai phải xác định xem BV ấy được Sở Y tế xếp vào tuyến nào, danh mục kỹ thuật ấy có được phép hay không. Ngoài ra, BV thực hiện kỹ thuật phải trên cơ sở nhân lực mới được phép, nhưng vì hôm đấy bác sĩ nhân lực ấy không có mà người khác thì người làm sai chịu trách nhiệm. Còn vấn đề đúng tuyến rồi nhưng trình độ bác sĩ kém là một chuyện khác” – ông Quang phân tích.

Về việc vi phạm sẽ chịu trách nhiệm gì, ông Quang cho biết: “Chịu trách nhiệm đấy là chế độ kỷ luật, không có xử phạt hành chính, cao nhất là buộc thôi việc. Kể cả người nhà không có kiện thì vẫn phải xử lý theo quy định của Luật viên chức”.

Theo ông Quang, nếu coi khám bệnh, chữa bệnh là một hợp đồng dân sự, trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh để ra sai sót thì thì phải chịu trách nhiệm và phải đền bù thỏa đáng cho người bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân Hà Vi, Sở Y tế đã công khai xin lỗi, nhận trách nhiệm, miễn viện phí và làm chân giả cho bệnh nhân.

“Nếu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thấy thỏa đáng rồi thì thôi. Trong trường hợp gia đình bệnh nhân không đồng ý với giải quyết của BV hoặc giải quyết không thỏa đáng thì gửi đơn ra tòa án giải quyết yêu cầu đền bù thiệt hại dân sự” – ông Quang nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm