Vụ hủy 20.000 viên thuốc, Sở Y tế nhận trách nhiệm

Ngày 10-5, Sở Y tế TP.HCM đã báo cáo Bộ Y tế về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng thuốc viện trợ Tasigna tại BV Truyền máu Huyết học TP.HCM.

Trong đó, Sở Y tế TP thừa nhận có một phần trách nhiệm và yêu cầu BV rút kinh nghiệm. Ngày 8-5, BV Truyền máu Huyết học đã tổ chức kiểm điểm, đồng thời Sở Y tế đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm giám đốc BV và trách nhiệm của Sở theo kết luận của Thanh tra TP.

Lần đầu nên còn lúng túng thủ tục

Theo Sở Y tế, BV Truyền máu Huyết học TP là đơn vị đầu tiên trong cả nước đề xuất thực hiện chương trình thuốc viện trợ nhân đạo (gọi tắt là chương trình Tasigna Copay) dành cho người mắc bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy kháng Glivec.

Theo báo cáo từ BV, do quá trình làm hồ sơ thủ tục rắc rối và mất quá nhiều thời gian, quá trình từ lúc tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc đến khi hoàn tất các thủ tục đưa về sử dụng của BV bị kéo dài. Thuốc chỉ có hạn sử dụng ngắn là 23 tháng nhưng đến khi nhận được thì chỉ còn 10 tháng. Tổng thời gian từ lúc BV bắt đầu tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc Tasigna của Công ty Novartis đến khi hoàn tất thủ tục của chương trình là 13 tháng tám ngày, trong đó thủ tục qua lại giữa BV và Công ty Novartis ở giai đoạn đầu mất trên bốn tháng 11 ngày. Giai đoạn BV bổ sung giấy tờ theo yêu cầu của Cục Quản lý dược mất 25 ngày và bổ sung giấy tờ cho Sở Y tế TP.HCM mất một tháng bảy ngày.

Thời gian Sở Y tế xử lý hồ sơ mất 21 ngày. Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP xử lý hồ sơ mất ba tháng, UBND TP xử lý hết 10 ngày làm việc, thời gian còn lại là thời gian BV và công ty làm thủ tục tiếp nhận và nhận hàng về kho.

Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Theo báo cáo của BV, ngay từ khi nhận được thuốc, BV đã ý thức được việc chắc chắn không sử dụng kịp thuốc vừa nhập trước hạn. Để hạn chế tối đa việc lãng phí, BV đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc chủ động đề nghị Công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình đến các BV khác trong toàn quốc hoặc thông báo các nơi chuyển bệnh nhân đến nhưng công ty này không đồng ý.

Sở Y tế TP.HCM cho rằng đây là lần đầu tiên Sở giải quyết hồ sơ tiếp nhận viện trợ có điều kiện nên chuyên viên của các phòng chức năng còn lúng túng trong việc trao đổi ý kiến qua lại giữa các phòng và tham mưu cho lãnh đạo Sở, dẫn đến chậm xử lý hồ sơ nhận thuốc viện trợ.

Thêm rắc rối do đối tác viện trợ

Sở Y tế cho rằng việc lập kế hoạch dự trù số lượng thuốc đề nghị hiến tặng của BV Truyền máu Huyết học TP đã không sát với thực tế sử dụng. Mặc dù dự trù số thuốc dùng cho sáu tháng nhưng ngay cả 10 tháng trôi qua BV vẫn không sử dụng được 1/2 số thuốc đã nhận (tiếp nhận 34.608 viên, còn tồn tới 19.997 viên; dự trù 50 người, thực tế chỉ có 26 người tham gia). Sở yêu cầu BV phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong dự trù số lượng thuốc xin viện trợ, làm sao sát với thực tế sử dụng.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của BV thì khó khăn là số người đăng ký tham gia chương trình không nhiều, vì đây là chương trình đồng chi trả. Khởi đầu, công ty đề nghị đồng chi trả của bệnh nhân là 10% (100 triệu đồng/năm), sau đó giảm xuống còn 4% (42 triệu đồng/năm). Do đó BV phải chờ thêm thời gian để người bệnh mua thuốc Tasigna lần đầu, đây là thủ tục bắt buộc để được tham gia chương trình. Đến ngày 27-9-2014 mới có người đầu tiên mua thuốc và sau đó chính thức chỉ có 26 người. Vì thế BV không thể sử dụng kịp thời số thuốc nhập về trước khi hết hạn.

Nếu xét thấy nhu cầu sử dụng thuốc là cần thiết cho người dân, BV nên tìm nguồn viện trợ khác theo đúng nghĩa viện trợ nhân đạo, không bao hàm việc đồng chi trả như Công ty Novartis đã làm. Ngoài ra, khi ký hợp đồng tham gia chương trình này, phải xác định rõ chủ sở hữu của lô hàng Tasigna là của BV hay của công ty dược Novartis. Ở đây, BV đã không thể tự quyết định khi biết số thuốc còn tồn kho khá lớn nhưng cũng không được sử dụng cho những người bệnh ngoài chương trình dù biết sẽ hủy khi hết hạn dùng. Khi nảy sinh tình huống như vậy BV cũng không khẩn trương báo cáo cho Sở Y tế biết để hỗ trợ, can thiệp.

Từ vụ này, Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu rút kinh nghiệm chung toàn ngành y tế TP về việc tiếp nhận, quản lý tiền, hàng viện trợ, tặng cho các đơn vị trực thuộc Sở. Ngày 8-5, lãnh đạo Sở Y tế đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Novartis Pharma Services AG trao đổi về tình hình tiếp nhận và sử dụng lô thuốc viện trợ Tasigna với điều kiện đồng chi trả. Công ty này cho biết sẽ có văn bản giải trình gửi về Sở Y tế.

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết việc để số lượng lớn thuốc Tasigna đặc trị ung thư hết hạn phải tiêu hủy là lỗi của BV, tuy nhiên Sở cũng rà soát lại trách nhiệm của mình trong thủ tục tiếp nhận thuốc. Một chuyên gia về dược cho rằng thực tế quy trình thủ tục nhập thuốc viện trợ hiện nay còn khá phức tạp, cần phải được chiết giảm, đơn giản hóa.

Ngoài ra, các công ty dược cũng quá cứng nhắc khi không chấp nhận cho những bệnh nhân ngoài chương trình được sử dụng thuốc, làm khó khi bắt buộc phải phụ thuộc vào BHYT gây thêm khó khăn cho bệnh nhân và BV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm