Vụ heo bị tiêm thuốc an thần: 17 nhân viên giải trình

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nhấn mạnh thông tin trên tại buổi họp báo vào sáng 30-9.

“Bên cạnh đó, chi cục cũng đề nghị công an điều tra vào cuộc. Nếu phát hiện cá nhân thú y thông đồng với đối tượng tiêm thuốc an thần cho heo sẽ bị xử lý đúng pháp luật” - ông Phát nói.

Sẽ đề xuất tiêu hủy heo “dính” thuốc an thần

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT, cho biết kết quả kiểm định cho thấy hơn 100/144 mẫu nước tiểu heo được lấy tại cơ sở giết mổ Xuyên Á chứa tồn dư thuốc an thần. “Bên cạnh đó, 4/4 mẫu dung dịch pha sẵn để tiêm heo cũng có chứa thuốc an thần” - ông Dũng nói.

“Cơ quan chức năng xác định 13/21 chủ heo có heo “dính” thuốc an thần với tổng cộng 3.750 con. Hồ sơ đã chuyển ra Bộ NN&PTNT để nơi đây ra quyết định xử phạt với số tiền 30-35 triệu đồng cho mỗi cá nhân vi phạm. Số heo vi phạm sẽ được tiếp tục xét nghiệm nước tiểu. Nếu không còn tồn dư thuốc an thần thì cho phép giết mổ” - ông Dũng cho biết.

Thuốc an thần Combistress, chai đựng thuốc đã pha với nước truyền dịch, kim tiêm tự động mà các đối tượng đã sử dụng. Ảnh: Thú y TP.HCM.

Báo chí đặt câu hỏi: “Vì sao không tiêu hủy mà lại cho phép giết mổ?”. “Hiện nay luật quy định cho phép giết mổ. Do mức phạt không cao nên không đủ sức răn đe. Chúng tôi sẽ kiến nghị bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề xuất chính phủ bổ sung hình thức tiêu hủy đối với heo tiêm thuốc an thần” - ông Dũng cho biết thêm.

Theo ông Dũng, tiêm thuốc an thần cho heo nhằm mục đích heo không bị sốc, không cắn nhau trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, thuốc an thần giúp các mạch máu co lại khiến thịt trông hồng hào, bắt mắt hơn. “Tuy nhiên, thuốc an thần tích lũy trong cơ thể người ở mức độ cao sẽ ảnh hưởng đến thận, thần kinh…” - ông Dũng nói.

Buộc cơ sở ngưng hoạt động nếu vi phạm cam kết

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết trước đây đối tượng thường sử dụng thuốc an thần Acepromazine do Việt Nam sản xuất để tiêm cho heo. Do liều lượng thuốc cao nên khi bị tiêm heo có các triệu chứng thần kinh, ngây ngất, bơi chèo (nằm ngửa, bốn chân giơ lên quơ quơ)… nên nhân viên thú y rất dễ phát hiện. “Hiện nay để qua mặt cơ quan thú y, các đối tượng sử dụng thuốc an thần Combistress do Bỉ sản xuất với hàm lượng thấp. Trước khi tiêm cho heo, đối tượng pha với nước truyền dịch nên heo chỉ có biểu hiện ngủ” - ông Phát nói.

Heo ngủ li bì sau khi bị tiêm thuốc Combistress. Ảnh: Thú y TP.HCM.

Theo ông Phát, mỗi khi xe chở heo sống từ các tỉnh đưa vào cơ sở giết mổ Xuyên Á thì nhân viên thú y xé niêm phong và kiểm tra lâm sàng. Khi heo không có vấn đề nghi vấn thì cho vào các ô chuồng. “Lợi dụng thời điểm lùa heo vào ô chuồng, đối tượng sử dụng kim tiêm tự động để tiêm thuốc an thần cho heo. Chưa hết, các đối tượng còn cử người cảnh giới. Khi thấy nhân viên thú y đi kiểm tra, đối tượng dùng cây gõ vào thành chuồng để báo động” - ông Phát cho biết thêm.

Cũng theo ông Phát, sau khi sự việc xảy ra, Chi cục Thú y TP.HCM sẽ rà soát và điều chỉnh quy trình kiểm tra trước khi đưa heo giết mổ. “Bên cạnh đó, Chi cục Thú y TP.HCM yêu cầu chủ cơ sở giết mổ buộc chủ heo làm cam kết không tiêm thuốc an thần. Nếu vi phạm thì ngưng hợp đồng giết mổ. “Ngoài ra, Chi cục Thú y TP.HCM cũng buộc chủ cơ sở giết mổ cam kết không để xảy ra thực trạng tiêm thuốc an thần ngay trong cơ sở. Nếu vi phạm sẽ buộc ngưng hoạt động giết mổ” - ông Phát nói.

"Mật phục" một tháng mới bắt được quả tang 

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với C49, Chi cục Thú y TP.HCM cử các trinh sát “mật phục” hơn một tháng.

Đến tối 28-9, đoàn kiểm tra đã bất ngờ ập vào bắt quả tang hai nhân viên đang tiêm thuốc an thần cho heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. “Khi đột kích vào phát hiện có hai nhân viên đang tiêm thuốc an thần cho heo, là chất gây ngủ, ức chế thần kinh cho heo ngủ. Sau khi kiểm tra thấy số lượng heo trong chuồng tại thời điểm đó, nhập buổi chiều 5.031 con, 200 con tồn của ngày hôm trước" - ông Dũng cho biết.

“Tổ chức kiểm tra số lượng các hộ đưa vào lò giết mổ, đoàn kiểm tra đã tổ chức lấy 144 mẫu nước tiểu của tất cả các lô heo và lấy bốn mẫu thuốc trong các lọ nhựa sử dụng để tiêm vào heo. Không chỉ tiêm bằng tay mà sử dụng dụng cụ tiêm tự động nên số lượng tiêm được nhiều" - ông Dũng thông tin thêm. Qua kiểm tra, thuốc có dung dịch màu vàng trong chai nhựa có chứa hoạt chất Acepromazine đã pha với thuốc an thần. Khi kiểm tra mẫu nước tiểu, có 13/21 lò mổ (thương lái) dương tính với hoạt chất thuốc an thần.

Trước khi kiểm tra đột xuất, bộ đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chuyên môn trả lời về tác hại của thuốc an thần này. Hiện nay thuốc an thần có chứa hoạt chất Acepromazine với tên thương mại đăng ký lưu hành tại Việt Nam như Combistress và Prozil trong điều trị, chống co giật, an thần, giảm đau, chống stress. Tác hại, gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đường tiêu hóa, thận, thần kinh, đãng trí… sử dụng lâu dài với lượng lớn sẽ phát huy tác hại.

“Việc tiêm thuốc vào heo là hành vi đáng lên án, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp này để người dân an tâm” - ông Dũng khẳng định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lò giết mổ heo Xuyên Á là lò mổ lớn nhất TP.HCM với công suất giết mổ hơn 5.000 con heo trong một đêm và cung cấp 50% thịt heo cho toàn TP.HCM. Heo được nhập về từ các tỉnh ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Ngay sau khi lò mổ bị thanh tra, sáng 29 và 30-9 hầu hết trong các chợ trên địa bàn TP đều khan hiếm thịt heo, khiến nhiều thương lái lao đao.

Chi cục Thú y TP.HCM cần tuyên truyền sâu rộng và cung cấp nhiều thông tin đến các chủ heo, tiểu thương về những hành vi cấm trong hoạt động kinh doanh và giết mổ heo. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y TP.HCM cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Ông PHẠM TIẾN DŨNG, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm