Việt Nam lần đầu tiên cho phép mang thai hộ

Bệnh viện Từ Dũ là một trong số các bệnh viện (BV) đầu tiên được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. “Hiện đã có một số cặp vợ chồng đang nóng lòng chờ áp dụng kỹ thuật mang thai hộ để sớm có con” - TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ
(TP.HCM), chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Phải được tư vấn luật pháp trước

. Phóng viên: Thưa tiến sĩ, đến thời điểm này BV đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, phương tiện và con người để tiếp nhận những cặp vợ chồng đến đăng ký nhờ mang thai hộ chưa?

+ TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: BV Từ Dũ từ lâu đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Nay BV được Bộ Y tế tin cậy cho phép triển khai đầu tiên kỹ thuật mang thai hộ tại Việt Nam. Về cơ bản, kỹ thuật mang thai hộ không khác so với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Vì vậy BV Từ Dũ đã sẵn sàng cơ sở vật chất, phương tiện và nhân sự, chỉ còn chờ thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Y tế.

. Theo quy định của pháp luật, người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần phải hội đủ những điều kiện gì?

+ Quy định cũng không phức tạp. Đối với người nhờ mang thai hộ: Là cặp vợ chồng vì một nguyên nhân nào đó chưa có con chung cho dù đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (chẳng hạn do dị tật bẩm sinh, bị cắt tử cung, ung thư cổ tử cung, bị bệnh lý nội khoa nếu mang thai sẽ ảnh hưởng đến tính mạng…). Đối với người mang thai hộ: Phải có quan hệ họ hàng cùng hàng với vợ hay chồng, có đủ sức khỏe mang thai, tự nguyện mang thai hộ và được sự đồng ý của chồng.

Cả người mang thai hộ và nhờ mang thai hộ phải được khám sức khỏe, được tư vấn đầy đủ về y khoa và luật pháp, tâm lý trước khi tiến hành mang thai hộ.

Phôi của vợ chồng vô sinh sẽ được BV Từ Dũ lưu giữ trong hệ thống lạnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Phải có hợp đồng

. Dù không mong muốn nhưng có thể xảy ra trường hợp người mang thai hộ bị hư thai, sẩy thai hoặc đứa bé chết khi vừa sinh, bị dị tật. Lúc đó trách nhiệm thuộc về BV hay người mang thai hộ?

+ Như trên đã nói, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ sẽ được BV tư vấn đầy đủ trước khi thực hiện mang thai hộ. Nếu xảy ra những trường hợp không mong muốn thì trách nhiệm cụ thể sẽ được đánh giá tùy từng trường hợp. Cần hiểu rằng cho dù y khoa phát triển hiện đại đến đâu thì vẫn có tỉ lệ rủi ro do giới hạn của khoa học (chẳng hạn các dị tật thai nhi liên quan đến những chức năng cơ quan thì các xét nghiệm khám tiền sản không thể phát hiện hoặc những rối loạn chuyển hóa gây tử vong trẻ sau sinh cũng là những hạn chế của khoa học). Trong những trường hợp đó, cả người mang thai hộ và nhờ mang thai hộ cần có trách nhiệm và cùng chia sẻ.

. Chi phí thực hiện một ca mang thai hộ khoảng bao nhiêu và ai phải trả? Trong trường hợp người mang thai hộ không trả con hoặc vợ chồng người nhờ mang thai hộ không nhận lại con thì xử lý ra sao?

+ Tại BV Từ Dũ, chi phí một ca thụ tinh trong ống nghiệm trung bình 50-60 triệu đồng. Riêng chi phí một ca mang thai hộ chưa thể tính cụ thể vì đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng có lẽ cũng tương tự thụ tinh trong ống nghiệm. Số tiền này do người nhờ mang thai hộ chi trả.

Trong hướng dẫn thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có phần hợp đồng dân sự dành cho người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, kể cả quy định trách nhiệm của hai bên. Trong trường hợp người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ không thực hiện trách nhiệm của mình thì sẽ nhờ tòa án dân sự can thiệp.

. Xin cám ơn tiến sĩ.

Nhiều người có nhu cầu

Đến nay, Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM tiếp nhận gần 30 trường hợp vợ chồng vô sinh muốn có con thông qua kỹ thuật mang thai hộ. Nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng nói trên không thể có con do người vợ không có tử cung, tử cung bất thường, tử cung bị cắt… Những khao khát có đứa con ẵm bồng của những cặp vợ chồng vô sinh khiến người tiếp xúc phải chạnh lòng.

Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo của Chính phủ là cánh cửa giúp các cặp vợ chồng vô sinh được thực hiện thiên chức làm mẹ, làm cha. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được giải thích là việc một phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

ThS-BS HỒ MẠNH TƯỜNG, Tổng Thư ký
Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM

Vợ chồng tôi lấy nhau gần 10 năm vẫn chưa có con mặc dù trứng và tinh trùng cả hai rất tốt. Vợ chồng tôi nhiều lần áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng đều thất bại chỉ vì tôi bị lạc nội mạc trong cơ tử cung. Vợ chồng tôi thật sự muốn có mụn con để an ủi tuổi già nên cần người chia sẻ và giúp mang thai hộ.

Chị KT

Vợ chồng tôi lập gia đình được sáu năm nhưng chưa thể sinh con. Vợ tôi có tử cung đôi và đã phẫu thuật bỏ vách ngăn. Sau bốn lần thụ tinh trong ống nghiệm vẫn chưa có kết quả. Tôi là con một, cha mẹ đều già và rất mong có cháu nội để hủ hỉ. Vợ chồng tôi thật sự muốn tìm người mang thai hộ.

Anh MH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm