Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang nhưng bị 'phán' Zona thần kinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-9, Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM cho biết đường dây tư vấn trực tuyến của BV tiếp nhận nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Điều đáng nói do giãn cách xã hội, người bệnh không thể đi khám nên ra nhà thuốc mua thuốc và bị chẩn đoán nhầm là Zona thần kinh.

Bà NTH (TP Thủ Đức) cho biết do vùng da sau cổ bị ngứa, đỏ, rát… nên nghi ngờ viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang bởi khu vực nhà bà có nhiều loại kiến này. Bà ra nhà thuốc gần nhà mua thuốc thì nơi đây chẩn đoán bị Zona rồi cho thuốc bôi và uống. Tuy nhiên tình trạng chẳng những không cải thiện mà diễn tiến nặng hơn, da phồng rộp nhiều kèm đau rát.

Thương tổn viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra. Ảnh: BVCC

BS Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1 thuộc BV Da Liễu TP.HCM, cho biết nhiều bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang nhưng lại bôi thuốc Acyclovir bởi chẩn đoán nhầm thành bệnh Zona khiến bệnh nặng hơn. Thậm chí có trường hợp trở thành viêm da tiếp xúc bội nhiễm.

Theo BS Phượng, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường xuất hiện ở vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân và có biểu hiện thương tổn hồng ban, hơi phù nề, mụn nước, mụn mủ. Tổn thương tạo thành từng vệt, đường hoặc thương tổn đối xứng. Tổn thương có thể thấy ở nách, bẹn, nếp gấp khuỷu tay hoặc khoeo chân. Khi gãi hoặc chà xát, tổn thương lan sang các vị trí khác.

“Trong khi Zona là bệnh gây ra bởi virus, ảnh hưởng đến da và thần kinh. Biểu hiện ban đầu là những dát, sẩn hồng ban. Sau đó xuất hiện những mụn nước mọc thành chùm chứa dịch trong, căng. Mụn nước thường xuất hiện một bên cơ thể, dọc đường đi của dây thần kinh. Bên cạnh đó, có thể đi kèm sốt, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, đau nhức…” – BS Phượng lưu ý.

BS Phượng cho biết thêm viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh Zona thần kinh hoàn toàn khác nhau. Việc chẩn đoán nhầm, sử dụng thuốc không đúng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Chưa hết, có thể khiến bệnh nặng và quá trình phục hồi lâu hơn.

“Điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không khó. Tuy nhiên, điều trị không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát và loét. Do vậy, không tự điều trị khi mắc bệnh mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử lý thích hợp.

Trong trường hợp không thể đến BV để khám, có thể liên hệ đường dây tư vấn Zalo hỗ trợ mùa dịch của BV Da Liễu TP.HCM để được tư vấn và có hướng xử trí phù hợp” - BS Phượng khuyến cáo.

BS Phượng còn cho biết khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang nên hạn chế sử dụng xà bông lên vùng da và tránh tiếp xúc ánh sáng vì sẽ làm tình trạng viêm da nặng hơn. Bên cạnh đó, không sờ, đụng, cào gãi vùng da tiếp xúc vì có nguy cơ lây lan độc tố sang vùng da khác.

Thống kê cho thấy đường dây tư vấn trực tuyến Zalo của BV Da Liễu TP.HCM gần đây tiếp nhận mỗi ngày khoảng 100 cuộc gọi tư vấn các bệnh về da. Trong đó, khoảng 20 trường hợp liên quan viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

 

Nhiều bệnh nhân COVID-19 bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Trong quá trình thăm khám, theo dõi sức khỏe các bệnh nhân COVID-19 tại BV Dã chiến số 12, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Hiện BV Dã chiến số 12 do BV Da Liễu TP.HCM phụ trách nên bệnh nhân COVID-19 được tư vấn, điều trị bằng các loại thuốc thoa tại chỗ. Toàn bộ thuốc do BV Da Liễu TP.HCM hỗ trợ và bệnh nhân được điều trị hoàn toàn miễn phí.

ThS-BS LÊ THỊ THÙY TRANG, phòng Kế hoạch tổng hợp BV Da Liễu TP.HCM, hiện đang công tác tại BV Dã chiến số 12.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm