Vì sao nhiều cách mà dịch sốt xuất huyết không giảm?

Vì sao nhiều cách mà dịch sốt xuất huyết không giảm? ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo cuộc họp khẩn tối 10-8

Bà Tiến nhấn mạnh: “Hà Nội có số ca mắc và tử vong do SXH thấp nhất cả nước, nhưng gần đây tại các bệnh viện ở Hà Nội lại đang quá tải. Vấn đề là tại sao chúng ta làm rất quyết liệt, nỗ lực nhiều mà không khống chế được dịch, số bệnh nhân nhập viện vẫn tăng?”.

 Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Tính đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận hơn 71.000 ca mắc SXH, trong đó 22 trường hợp tử vong.

 Tính đến 9-8, toàn TP. Hà Nội ghi nhận hơn 1.500 ổ dịch tại 25/30 quận, huyện; 241/584 xã, phường. Tổng số bệnh nhân trong ổ dịch là 3.580 bệnh nhân (chiếm 25.6% tổng số bệnh nhân). Hiện tại còn 285 ổ dịch chưa kết thúc, phân bố chủ yếu tại 2 quận Đống Đa và Hoàng Mai.

 Theo Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân khiến dịch bệnh SXH gia tăng là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được vệ sinh, xử lý làm phát sinh các ổ lăng quăng.

 Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch (tại Hà Nội, 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất).

Đặc biệt, khác với các năm trước chỉ ghi nhận hai type virus Dengue gây bệnh là D1 và D2, năm nay Hà Nội đã phát hiện thêm type D4, càng làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Nội rà soát các bệnh viện trực thuộc để có thể thu dụng và điều trị bệnh nhân SXH, không để tình trạng bệnh nhân bức xúc vì không được nhập viện. Trường hợp cần thiết phải dán nhãn và phân loại bệnh nhân để theo dõi và xử lý kịp thời.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kết luận: Biện pháp “hạ hỏa” hiện nay là diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng, chống muỗi đốt trong từng hộ gia đình. Trường hợp đã bị bệnh phải đến cơ sở y tế nơi gần nhất để nhận sự hướng dẫn điều trị của các bác sỹ và nhập viện khi cần thiết. \

Người bệnh phải tăng cường uống nước orezon để bù nước. “Đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện ký sinh trùng TW… tập huấn cách pha hóa chất theo kỹ thuật đối với các địa phương; đến từng hộ gia đình phun chống muỗi; có chiến dịch phun cụ thể. Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra lán, trọ, công trình xây dựng để diệt ổ lăng quăng, lập bản đồ phun hóa chất để phòng chống dịch bệnh”, Bộ trưởng Tiến cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm