“Vi khuẩn ăn thịt người” gây Whitmore tăng mạnh: BYT vào cuộc

Trước diễn biến phức tạp của “vi khuẩn ăn thịt người” gây nên bệnh Whitmore tại các tỉnh miền Trung sau lũ, chiều 20-11, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn cảnh báo cũng như hướng dẫn người dân chăm sóc sức khoẻ, ngăn ngừa dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng yêu cầu các tỉnh tăng cường công tác phòng chống bệnh Melioidosis (bệnh Whitmore)

Theo công văn, tại các tỉnh Miền Trung, sau các mưa lũ làm cho vệ sinh môi trường tại các vùng dân cư bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Melioidosis. Đây tuy là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.

Để chủ động có các biện pháp phòng chống hiệu quả đối với bệnh Melioidosis trên địa bàn 9 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Melioidosis (bệnh Whitmore), phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Melioidosis. Tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế mức thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Melioidosis.

Chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh Melioidosis, phân tích nguy cơ và các biện pháp phòng chống bệnh Melioidosis.

Phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Melioidosis để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống; đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, đặc biệt chú ý đối với các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Melioidosis.

Trước đó PLO đã đưa tin, từ tháng 1 đến tháng 9-2020 có 11 bệnh nhân và từ tháng 10 đến giữa tháng 11 có 28 bệnh nhân. “Nhiều bệnh nhân đến BV đã ở giai đoạn muộn, bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng, điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Vừa qua, các cơn bão và mưa lớn liên tục khiến tình trạng ngập lụt lan rộng khắp miền Trung. Nhiều nơi tại khu vực này ngập sâu kéo dài, là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm