Vaccine mới về đến Việt Nam hiệu quả ra sao?

Trưa 24-2, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng đoàn công tác của bộ đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để tiếp nhận lô vaccine COVID-19 đầu tiên về Việt Nam (VN).

Các kiện vaccine được đưa về kho lạnh của VNVC và AstraZeneca
(quận Phú Nhuận) để bảo quản. Ảnh: VNVC

“Sớm đưa cuộc sống về bình thường”

Trong thời điểm dịch COVID-19 tại VN vẫn tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới ở Hải Dương, Hải Phòng, lô vaccine với 117.600 liều đầu tiên này là niềm hy vọng lớn cho công tác chống dịch trên cả nước.

GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, đánh giá những liều vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã có mặt kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó với đợt bùng phát mới.

“Chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác để cung cấp đầy đủ vaccine cho người dân trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Vaccine này sẽ giúp chúng ta tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch COVID-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường” - ông Long nói.

Với lô vaccine này, VN trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với vaccine phòng COVID-19.

 

Lần đầu phát hiện biến thể COVID-19 nhóm 20C ở Việt Nam

Từ kết quả giải trình tự gen của bệnh nhân người Nhật Bản tử vong trong khách sạn ở TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết biến thể COVID-19 nhóm 20C lần đầu xuất hiện tại VN.

“Chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Đài Loan và Ấn Độ. Tốc độ lây nhiễm không cao nhưng cần lưu ý vì mức độ tăng nặng chưa rõ ràng” - ông Long nói.

Về tiến độ cung cấp vaccine, người đứng đầu ngành y tế cho biết trong năm nay có ba nguồn vaccine.

Nguồn thứ nhất, Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình Covax (do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng) cam kết cung cấp cho VN 30 triệu liều trong năm 2021. Dự kiến trong tuần này, Covax sẽ thông báo chính thức số lượng vaccine cung cấp cho các quốc gia trên thế giới.

Nguồn cung ứng thứ hai, Bộ Y tế mua 30 triệu liều vaccine của Công ty AstraZeneca (Anh), thông qua Công ty CP Vacxin VN (VNVC). Lô đầu tiên gồm 117.600 liều được đưa về trong sáng 24-2. Bộ này sẽ trình xin cơ chế đặc biệt để mua với giá đã thỏa thuận.

Nguồn thứ ba, Bộ Y tế đang đàm phán mua vaccine Pfizer của Mỹ, khả năng cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Tuy nhiên, vaccine này đòi hỏi phải bảo quản trong nhiệt độ -75 độ C, tiêm trong vòng năm ngày. Theo Bộ trưởng Long, bài học kinh nghiệm của Mỹ là phải hủy bỏ 50% vaccine này do không đảm bảo điều kiện bảo quản.

Về kịch bản dự kiến của Bộ Y tế, quý I sẽ có 1,3 triệu liều, quý II là 9,5 triệu liều, quý III là 25,9 triệu liều và quý IV là 51,1 triệu liều. Như vậy, có khoảng 90 triệu liều trong năm 2021.

Khi vaccine về đến VN, sẽ ưu tiên tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao với hơn 50.000 người, mỗi người tiêm hai mũi.

 

Thêm 9 ca COVID-19 ở Hải Dương, 6 ca trong vùng phong tỏa

Chiều 24-2, VN ghi nhận thêm chín ca nhiễm COVID-19 đều ở tỉnh Hải Dương. Trong đó, sáu ca tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành là người trong vùng phong tỏa.

Hai ca được phát hiện tại huyện Cẩm Giàng, là F1 của ổ dịch cũ được cách ly tập trung trước đó.

Ca còn lại tại huyện Thanh Hà, được phát hiện thông qua sàng lọc, đã được cách ly.

Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại BV dã chiến số 2, BV ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương.

Bộ trưởng cũng thông tin hơn 117.000 liều đã về đến VN vào ngày 24-2 sẽ được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly, phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng, chống dịch thuộc các tổ COVID-19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch... Đầu tháng 3 sẽ tiến hành tiêm số vaccine này. Cuối tháng 3 có thể thêm 1,2 triệu liều. Việc tiêm vaccine được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.

Ngay trong chiều 24-2, Bộ Y tế cũng đã họp khẩn về việc kiểm định chất lượng và dự kiến các phương án sẽ tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao.

Vaccine hiệu quả 76% sau mũi đầu tiên

Theo hướng dẫn, những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên sẽ trải qua quy trình kiểm định chất lượng cuối cùng trước khi được bàn giao cho Bộ Y tế/VNVC để bắt đầu công tác tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên.

Theo ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca VN, vaccine AstraZeneca đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vaccine sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều đầu, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Y tế và VNVC để cung cấp vaccine cho người dân nhanh chóng và an toàn nhất có thể” - đại diện AstraZeneca VN nói.

Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine AstraZeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.

Vaccine COVID-19 AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độ C) trong ít nhất sáu tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.

Theo Bộ Y tế, vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia.•

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm