Ung thư vú đang gia tăng và trẻ hóa

Điểm đáng lưu ý là ung thư vú ở người trẻ tuổi đang ngày càng gia tăng, 40 ca/năm ở lứa tuổi dưới 30, trong đó 50% dưới 25 tuổi.

Rất nặng, nếu ở tuổi dưới 25

Theo BS Hà, ung thư vú là bệnh lý ác tính, thường gặp nhiều hơn ở các nước phát triển. Nếu như Trung Phi tỉ lệ 27/100.000 người thì Tây Âu tỉ lệ này là 96/100.000 người. Bệnh gặp ở 75% phụ nữ trên 50 tuổi, 6,5% ở phụ nữ dưới 40 tuổi và 0,6% dưới 30 tuổi.

Dữ liệu nghiên cứu của Mỹ cho thấy tỉ lệ chuẩn tuổi của phụ nữ da trắng ung thư vú 15-19 tuổi là 0,2/100 ngàn người và lứa tuổi 20-24 mỗi năm chỉ có 1,6/100 ngàn người. Tại Nhật và Anh, nữ bệnh nhân dưới 25 tuổi bị ung thư vú chỉ chiếm 0,09%. Một tỉ lệ rất thấp.

 Ung thư vú đang ngày càng trẻ hóa. Hình minh họa

“Ở nhóm tuổi trẻ, ung thư vú có sinh học bướu ác tính hơn và liên quan với kích thước bướu lớn hơn, thường di căn hạch nhiều hơn và sống còn thấp hơn so với nữ lớn tuổi bị ung thư” - BS Hà nhận định.

BS Hà chứng minh: Nghiên cứu 20 trường hợp nữ bị ung thư vú dưới 25 tuổi (có hai người bị tổn thương ở hai vú và có ba trường hợp có thai lúc chẩn đoán), trong ba năm (2012 đến 2014) tại BV Ung bướu, cho thấy họ đến BV khám vì phát hiện bướu ở vú và được phát hiện ung thư. Kích thước bướu 1,5-10 cm. BV đã phẫu thuật cho 80% trường hợp, trong số này 50% được tái tạo vú.

Một điều đáng lưu ý là chỉ có hai trường hợp tiến triển sau ba chu kỳ hóa trị nhưng có đến 50% trường hợp bệnh tiến triển nặng mặc dù đã được hóa trị và tử vong vào thời điểm chấm dứt theo dõi.

Theo BS Hà, ung thư vú là tình trạng hiếm gặp ở lứa tuổi dưới 25 nhưng nếu gặp thì rất nặng. Việc trì hoãn chẩn đoán hơn ba tháng làm cho diễn tiến xấu (có trường hợp trì hoãn cả năm). Mặc dù các nguyên tắc điều trị chính ở nhóm tuổi này không khác biệt so với nhóm lớn tuổi hơn, tuy nhiên cần phát triển của điều trị ứng hợp với nhóm này.

Nhiều yếu tố nguy cơ

Về nguyên nhân gây ung thư vú, theo BS Hà có gần 5%-10% là do đột biến bẩm sinh gen BRCA1 hoặc BRCA2, 15%-20% có liên quan đến đa hình thái gen và các yếu tố môi trường

“Một phụ nữ trẻ bị ung thư vú gợi ý một hội chứng di truyền. Các yếu tố nguy cơ khác: Bệnh sử gia đình, có kinh sớm (từ 12 tuổi trở xuống), mãn kinh trễ (sau 50 tuổi), sinh con lần đầu trễ, sử dụng estrogen và các yếu tố như lối sống ít vận động, ăn uống (nhiều thức ăn nhanh), rượu bia và chế độ ăn uống giàu chất béo… ” - BS Hà nói.

Một lý do quan trọng cho thấy sự phát triển của bướu lớn hơn ở bệnh nhân trẻ là thiếu chương trình tầm soát trong quần thể này. Theo BS Hà, phát hiện sớm có thể giám kích thước bướu tại thời điểm chẩn đoán, đưa đến giảm tỷ lệ tử vong. 

Do vậy, chị em phụ nữ không chỉ ở nhóm nguy cơ cao (người thân trong gia đình cha mẹ, anh chị em; từ 40 tuổi trở lên) mà phụ nữ dưới 35 tuổi cũng phải tầm soát khám vú, siêu âm chụp nhũ ảnh để phát hiện sớm ung thư. Việc xét nghiệm gen BRCA1 hoặc BRCA2 (chiếm tỉ lệ 1%) để tầm soát ung thư là tốt, tuy nhiên hiện nay xét nghiệm có giá thành hơi cao.

 

Việc phát hiện ung thư vú sớm giai đoạn 1, tỉ lệ sống còn sau năm năm đến 98%; giai đoạn 2A là 88%, giai đoạn 2B là 76%; giai đoạn 3 là 50% và giai đoạn 4 là 16%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm