Ung thư ơi, bớt đau!

Một bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối đã bị di căn vào xương sống đến với chúng tôi. Gia đình bệnh nhân nói nhỏ: “Bác sĩ ơi có cách nào làm cho cha tôi bớt đau được không? Đã hơn nửa tháng nay cha tôi đau đớn suốt cả ngày đêm, không lúc nào ngủ được”. Bệnh nhân thì nét mặt đau khổ vì đau đớn, van nài: “Bác sĩ có mũi thuốc nào tiêm cho tôi chết đi, đau quá chịu không nổi ông ạ!”. Đấy là hình ảnh điển hình mà chúng tôi trong suốt thời gian hành nghề y khoa thường hay gặp phải. Tuy nhiên, quan niệm về giảm đau trong ung thư không phải ai cũng chú ý đến, ngay cả một số thầy thuốc.

Giảm đau bằng cách nào?

Điều đầu tiên, trong điều trị giảm đau do ung thư phải đề cập đến các phương pháp điều trị lồng ghép, có nghĩa là giảm thiểu tổng khối tế bào ác tính, đồng thời cũng làm giảm đau đớn cho bệnh nhân. Khi khối u giảm đi, đau đớn sẽ bớt dần và các phương pháp làm giảm đau cũng được loại bỏ dần dần.

Xạ trị: Là phương pháp giảm đau rất có hiệu quả, nhất là đối với những khối u ở các vị trí hiểm hóc như u trung thất, u xương… Hiệu quả giảm đau hoàn toàn hay một phần có thể thấy được trên 80% các bệnh nhân khi được chiếu tia. Hiệu quả này sẽ tăng lên nếu như bệnh nhân được xạ trị sớm, trước khi khối u gây ra đau đớn.

Với vài ba viên thuốc giảm đau đơn thuần, bác sĩ thường cho bệnh nhân uống để yên tâm mà không biết rằng những cơn đau do ung thư gây nên không thể hết, thậm chí không thể giảm được với vài viên thuốc ấy.

Điều trị bằng hóa chất và nội tiết: Hiệu quả giảm kích thước khối u và giảm đau rõ rệt trong những bệnh ung thư máu và các thành phần của máu như bệnh Hodgkin, Lymphoma… Thời gian giảm đau đạt được sau khi điều trị dao động 3-14 ngày.

Giảm đau bằng các loại thuốc giảm đau: Giảm đau đớn trong ung thư bằng thuốc giảm đau là nền tảng cơ bản nhất trong điều trị. Có nhiều loại thuốc và nhóm thuốc được sử dụng, việc chọn lựa thuốc và liều ban đầu được dựa vào mức độ đau của bệnh nhân. Trước tiên nên dùng bằng đường uống. Thuốc cần được uống đúng giờ, không phải chỉ khi nào đau mới uống. Các loại thuốc này đều có tác dụng phụ rất ít và có thể tránh được.

Các nhóm thuốc giảm đau chính

Các thuốc giảm đau và hạ sốt thuộc dòng thuốc kháng viêm không phải steroides và aspirin: Đây là loại thuốc rất được ưa dùng tại Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, khi dùng cho bệnh nhân Việt Nam, rất nhiều tác giả đã khuyên phải cẩn thận vì tác dụng phụ của nó và sự dung nạp thuốc kém của người Việt Nam. Những tác dụng ngoài ý muốn hay gặp nhất trong khi sử dụng các thuốc giảm đau nhóm này là: ăn không tiêu, nóng rát dạ dày, viêm dạ dày và nặng nhất là xuất huyết dạ dày - một biến chứng có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Các loại thuốc này có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện.

Các thuốc thuộc nhóm acetaminophen: Tác dụng giảm đau hạn chế hơn nên phải kết hợp với các thuốc giảm đau khác như: kết hợp với codein, kết hợp với thuốc kháng viêm không steroides khác như ibuprophen, idometacin… Khi dùng liều cao cần cẩn thận vì độc tính gây viêm gan của thuốc.

Các thuốc giảm đau thuộc nhóm có nguồn gốc từ thuốc phiện: Là nhóm thuốc có tác dụng giảm đau tốt nhất trong điều trị đau do ung thư. Các thuốc này thường được sử dụng cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, khi mà cái đau đã trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ và kinh hoàng của bệnh nhân. Thuốc thường được sử dụng dưới hai dạng: thuốc tiêm và thuốc dán có tác dụng chậm.

Một vấn đề đặt ra hiện nay trong việc sử dụng các loại thuốc này là nỗi lo sợ về khả năng gây nghiện của thuốc. Phần lớn bệnh nhân và người nhà, ngay cả một số thầy thuốc cũng vậy, họ sợ thuốc sẽ gây nghiện và người bệnh lệ thuộc vào thuốc. Tuy nhiên, theo thống kê của các nhà chuyên môn thì tỉ lệ nghiện thuốc là không đáng kể. Chúng ta phải đứng giữa hai con đường: hoặc để bệnh nhân cứ vật vã với những cơn đau, biến cuộc sống trở thành địa ngục với nỗi ám ảnh, lo sợ khôn nguôi hay để bệnh nhân thanh thản, dù có nghiện một tí bởi vì thực ra cuộc sống của họ không còn được bao nhiêu. Lựa chọn thứ hai xem ra lại hợp tình, hợp lý hơn.

Nguyên nhân và biểu hiện của đau đớn

Đau chỉ xuất hiện khi các khối u của ung thư ăn lan vào xương, thần kinh, mô mềm và các tạng. Đau đặc biệt nhiều ở một số loại ung thư thường gặp như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, thận, ung thư tủy xương… Đau tăng lên khi có hiện tượng viêm loét xung quanh khối u. Ở một số trường hợp, đau xuất hiện sau khi điều trị như đau sau mổ lồng ngực để cắt phổi trong điều trị ung thư phổi, đau do viêm cơ vì tia xạ, đau do viêm các rễ thần kinh trong điều trị hóa chất.

Biểu hiện của đau đớn trong ung thư rất đa dạng, từ hiện tượng đau của các cơ quan nội tạng, đau do cảm giác tự thân, đau có nguồn gốc thần kinh đến đau do tâm lý của người bệnh. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đau đớn: suy sụp về cơ thể, suy sụp về tinh thần, sợ chết, sợ bệnh viện, lo lắng về gia đình, về công việc, cảm giác bị người thân bỏ rơi… Chính vì vậy khi điều trị bệnh ung thư, thầy thuốc và người nhà cần quan tâm đến toàn bộ yếu tố kể trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm