Ung thư: Nghe Google, bỏ mất cơ hội cứu chữa

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị khó khăn. Từ đó nhiều người nghi ngờ vào phác đồ điều trị, thuốc và mặc nhiên cho rằng “mắc ung thư tốt nhất đừng đến bệnh viện, chỉ tốn tiền” hoặc mang tâm lý có bệnh thà vái tứ phương, uống thuốc thầy lang vừa rẻ lại vừa hiệu quả đã dẫn đến những hậu họa khôn lường.

Tuyệt giao với thầy thuốc

Từ khi được bác sĩ (BS) cho biết mình bị mắc ung thư giai đoạn đầu, trong phổi có khối u cần phải điều trị, ông PTH (51 tuổi, ngụ Trạm Tấu, Yên Bái) nghe lời đồn đại từ dư luận nên đã về nhà tìm đến thầy cúng nổi tiếng để trị bệnh mà không tin tưởng BS.

Tháng 2-2017, ông H. đến nhà thầy cúng Giàng Văn Phứa, để xin thuốc chữa trị ung thư. Tại đây ông H. được “thầy” cho 10 gói thuốc Đông y giá hơn 3 triệu đồng và rất nhiều thuốc Nam mà theo “thầy” phải đi vào tận rừng sâu để hái. Bốn tháng đầu uống thuốc ông H. khỏe mạnh bình thường, ăn uống tốt hơn so với trước đây và hầu như không có biểu hiện bệnh tật gì.

“Tôi cứ nghĩ bố khỏi bệnh hẳn rồi, nào ngờ đến tháng 7, ông lại thường xuyên kêu mệt, sụt ký, xanh xao đi rất nhiều. Lúc này gia đình chạy đến nhờ thầy Phứa tiếp tục chữa bệnh thì thầy bảo đã đến giai đoạn cúng, không uống thuốc nữa. Nghe theo thầy, nhà tôi lập bàn cúng đầy đủ theo yêu cầu. Cách ly người trong gia đình, hằng ngày chỉ cho bố uống nước lọc và ăn cháo mè đen như thầy hướng dẫn. Ai ngờ chỉ sau một tuần bố tôi lịm đi, cả nhà đưa bố chạy xuống BV Bạch Mai (Hà Nội) thì BS bảo hết cách rồi” - anh PKA, con ông H., kể lại.

Cũng theo gia đình ông H., do trước đó vợ ông H. bị ung thư, gia đình đã chạy chữa ở BV hơn hai năm nhưng không có tác dụng, tốn rất nhiều tiền. Từ đó gia đình quyết định tuyệt giao với thầy thuốc và không chữa bệnh ở BV nữa.

Bệnh nhân xạ trị ung thư tại BV K Trung ương. Ảnh: HP

Lục lại hồ sơ bệnh án ông H., BS BV Bạch Mai cho biết khi bệnh nhân phát hiện ung thư mới ở giai đoạn khởi phát, việc điều trị rất dễ dàng. Tuy nhiên, mất một thời gian khá dài ông quay lại, bệnh đã hết thời gian vàng cứu chữa, BS cũng bó tay.

Lợi hại hơn những phương pháp điều trị bằng cúng bái, gần đây BV K Trung ương xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng phương pháp điều trị ung thư không chính thống trên mạng. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân VTTL (25 tuổi), bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư nhưng do nghe theo các biện pháp trên mạng, chị L. tuyệt đối không hợp tác với BV điều trị mà về nhà, bỏ lỡ cơ hội vàng. Thay vào đó, chị L. dùng thuốc Nam, thuốc Bắc chữa bệnh.

“Đến khi nặng quá quay lại, chúng tôi mới biết cô này học đâu trên mạng từ chối uống sữa, ăn đạm, không ăn mặn, ngọt, chỉ ăn duy nhất rau luộc hai bữa mỗi ngày. Do không đủ năng lượng cung cấp vào cơ thể nên cô kiệt quệ rất nhanh” - BS Nguyễn Văn Khải, BV K Trung ương, cho biết.

94.000 (làm tròn) là số người Việt Nam chết do ung thư mỗi năm. Nghiên cứu mới đây nhất của BV Ung bướu TP.HCM cho thấy trong 20 năm (từ 1995 đến 2004) riêng tại TP.HCM có 119.556 ca mắc ung thư. Tuổi trung bình mắc ung thư là 55, trẻ hơn so với nhiều nước. Từ năm 2012 trở đi, số người mắc ung thư tăng nhanh, trung bình 8%-9%/năm. 

Dấn thân vào cái chết

GS-TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc BV K Trung ương, lo lắng đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân từ chối khi BS vẫn còn cách cứu chữa. Hiện nay, người dân phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội. Họ bị chi phối và không biết chọn lọc đâu là thông tin đúng và đâu là thông tin sai lệch. Có quá nhiều suy nghĩ sai lầm về căn bệnh ung thư khiến cho người bệnh bỏ lỡ mất cơ hội vàng của chính mình.

“Những suy nghĩ đó cần nhanh chóng được thay đổi. Bệnh nhân nên tin tưởng BV, khi nào BS nói không còn cách chữa thì thôi. Đừng làm mất đi cơ hội của chính mình” - BS Đức chia sẻ.

Liên quan đến việc điều trị ung thư theo trăm hướng ngàn cách trên mạng xã hội, PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương, cho rằng có quá nhiều biện pháp điều trị ung thư không chính thống đang lan truyền trên mạng khiến nhiều người bỏ BV đi theo “BS Google”. Tuy nhiên, điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Khi sử dụng các biện pháp xạ trị, hóa trị giúp ngăn cản tiến triển của ung thư, cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống của người mắc ung thư rất hiệu quả.Vì vậy không nên tùy tiện nói “phẫu thuật là tổn thương nghiêm trọng do con người tạo ra” hay dễ dàng phủ nhận những nghiên cứu mà các nhà khoa học ngày đêm tìm tòi qua các phác đồ điều trị.

Tỉ lệ chữa khỏi ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bên cạnh giai đoạn bệnh là yếu tố then chốt phải kể tới loại ung thư, độ ác tính của từng trường hợp, thể trạng người bệnh, bệnh phối hợp… Người bệnh khi tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu về bệnh.

“Tôi cho rằng đây là mặt trái của thời đại bùng nổ thông tin khi các nguồn không đúng đã gây ra quá nhiều hệ lụy. Tôi mong rằng người bệnh không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học” - PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm