Từ vụ Xin Chào, không giấy ATTP, xử sao?

Vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh (TP.HCM), bị công an khởi tố vì kinh doanh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (GCN ATTP) đã làm nhiều người giật mình. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng từng phát biểu rằng nếu chủ quán Xin Chào mà thua thì mọi doanh nghiệp có thể đi tù. Cuối cùng thì các cơ quan tố tụng đã kết luận ông Tấn không phạm tội.

“Vụ việc của ông Tấn cho thấy cần hiểu đúng về GCN ATTP, bởi ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật mà còn hiểu sai thì nói gì đến người dân bình thường” - bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm “Bán hàng ăn uống và GCN ATTP” do Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 28-4.

Phạt nặng cơ sở không đủ điều kiện ATTP

Theo ông Hòa, hiện trên địa bàn TP có hơn 56.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó phần lớn (hơn 49.000 cơ sở) do các địa phương quản lý. Do phạm vi quản lý quá rộng nên tình hình ATTP chưa được như nhà quản lý mong muốn.

Trả lời những thắc mắc về việc cấp GCN đủ điều kiện VSATTP, theo ông Hòa, về nguyên tắc đăng ký ở cấp nào thì cấp đó sẽ cấp GCN. Với những cơ sở có quy mô vượt quá 200 suất ăn/lần phục vụ do TP cấp. Những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt, cơ sở bán hàng rong… thì không phải có GCN.

Để có GCN ATTP, các cơ sở cần có giấy đăng ký kinh doanh đối với tất cả ngành hàng. Riêng về y tế cần đảm bảo các điều kiện như nhà xưởng, trang thiết bị, vệ sinh trong quá trình sản xuất, điều kiện về con người: người trực tiếp tiếp xúc phải có giấy xác nhận và đảm bảo về sức khỏe để không mắc bệnh lây lan...

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch-Đầu tư TP.HCM, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về quy trình cấp và thực trạng nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm hiện nay cố tình không xin GCN ATTP sẽ xử lý ra sao? Theo ông Hòa, việc cấp GCN phải trải qua công tác tiền kiểm, đi thẩm định đều được báo trước. Nếu cơ sở sản xuất chưa nắm được thì trong quá trình thẩm định cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn để tiến hành thẩm định lần sau để cấp GCN. Trong quá trình sản xuất nếu có bê bối còn phải hậu kiểm, nếu cơ sở vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định. “Nếu không đủ điều kiện ATTP và có hành vi vi phạm sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ sở vi phạm nghiêm trọng thì cơ quan thanh tra, kiểm tra có quyền thu hồi GCN và đình chỉ hoạt động” - ông Hòa nhấn mạnh. Đồng thời, việc sử dụng GCN ATTP hết hạn cũng có thể bị phạt từ 500.000 đến 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Hòa nói thêm, ngay cả các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không thuộc diện phải có GCN đủ điều kiện ATTP, chỉ tiến hành cam kết nhưng nếu vi phạm vẫn phải bị xử phạt.

Người bán cũng phải có trách nhiệm

Ngoài việc xử phạt các điểm kinh doanh thực phẩm bẩn, không an toàn thì người sản xuất trực tiếp và người kinh doanh phải có trách nhiệm với chính thực phẩm của mình.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý ATTP Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, cho hay hiện nay nguồn rau cung cấp cho toàn TP có 30% là do TP tự sản xuất, còn lại 70% từ các chợ đầu mối. Nguồn cung chủ yếu từ năm tỉnh là Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh.

Với nguồn rau TP, 95% đã đủ điều kiện trồng rau an toàn. Hộ nông dân trồng rau đã được đào tạo và thi để cấp GCN chuyên môn sản xuất rau an toàn. Các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cũng được tập huấn và kiểm tra thường xuyên để biết thuốc nào nên bán và thuốc nào không nên. Người trồng rau còn phải trải qua kiểm tra đột xuất trên đồng ruộng, lập biên bản ghi nhật ký sử dụng thuốc như thế nào, liều lượng, điểm tập kết rau… để quản lý.

“Riêng với người bán buôn, chúng tôi cũng yêu cầu phải có hợp đồng, cam kết với nhà cung cấp, có hóa đơn rõ ràng. Nếu là rau VietGAP, GlobalG.A.P., rau an toàn cũng phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì mới đủ tin tưởng và có căn cứ để chế tài nếu kiểm tra phát hiện tồn dư kháng sinh hoặc thuốc bảo vệ thực vật” - bà Thoa nêu quan điểm.

Heo VietGAP vi phạm vẫn bị xử phạt

Về việc heo nhiễm chất cấm, theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng Thú y cộng đồng Chi cục Thú y TP.HCM, các cơ sở giết mổ trái phép đương nhiên là không đăng ký đủ điều kiện kinh doanh và trách nhiệm quản lý thuộc về UBND quận/huyện, phường/xã. Ông Thiết cho biết trên lý thuyết tất cả cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh động vật giết mổ phải được cấp phép và được kiểm dịch. Những trường hợp không qua khai báo kiểm dịch đều bị xử lý, cấm tiêu thụ.

Về trường hợp mới đây, heo của một chủ trang trại có chứng nhận VietGAP nhưng vẫn bị phát hiện dương tính chất cấm, ông Trương Trung Thu, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản, Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết là do chủ cơ sở cố tình trà trộn heo thu gom nhiều nơi không rõ nguồn gốc đem bán cho Công ty Vissan và bị cơ quan thú y kiểm dịch. “Khi phát hiện tồn dư chất cấm, dù heo có chứng nhận VietGAP cũng vẫn bị xử phạt và tiêu hủy theo quy định” - ông Thu nói.

Buổi tọa đàm về chủ đề “Bán hàng ăn uống và GCN ATTP” do Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 28-4 có sự tham dự của đại diện các cơ quan: các ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng ATVSTP, Sở Y tế TP.HCM; ông Trương Trung Thu - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản, Sở NN&PTNT; ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương; bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT TP.HCM; bà Trần Thị Thu Giang, chuyên viên Phòng Y tế UBND quận 12 và luật sư Phạm Minh Tâm cùng PV các báo, đài.

Buổi tọa đàm được Tập đoàn Tân Hiệp Phát (Bình Dương) và Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (TP.HCM) tài trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm