Tư vấn trước mổ: quyền của người bệnh

Tư vấn trước mổ: quyền của người bệnh ảnh 1
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về mổ cột sống thoát vị đĩa đệm - Ảnh: N.A.

Lỗi thông thường trong các cuộc khiếu kiện này hay được quy kết là do bác sĩ không tư vấn kỹ. Nhưng có rất nhiều trường hợp chúng tôi nhận được lời nhờ gửi gắm bác sĩ của bệnh nhân trước khi mổ và nhờ hỏi giúp các vấn đề trước khi mổ.

Khi chúng tôi hỏi: “Sao không hỏi trực tiếp bác sĩ phẫu thuật mà phải nhờ qua người thứ ba?”, phần lớn câu trả lời của người bệnh là sợ bác sĩ la, bác sĩ không nói, sợ bác sĩ không có thời gian trả lời vì công việc quá nhiều. Một số khi ngồi đối diện với bác sĩ lại quên mất không biết phải hỏi gì...

Mổ là chuyện hệ trọng, nhiều rủi ro

Là bác sĩ, tôi thấy thực tế nói trên là vấn đề lớn cần giải quyết để hạn chế các tranh chấp y khoa giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Đứng về phía bệnh nhân, chúng ta có quyền đặt các câu hỏi trước khi quyết định tham gia điều trị cùng bác sĩ, nhất là trước khi phẫu thuật vì mổ là chuyện hệ trọng và có nhiều rủi ro. Trừ những trường hợp mổ cấp cứu khẩn cấp để cứu nguy tính mạng, phần lớn cuộc phẫu thuật đều có thể trì hoãn được. Tư vấn trước mổ là quyền của bệnh nhân. 

Thế thì bệnh nhân cần biết thông tin gì về cuộc mổ sắp đến? Trước hết là hỏi xem bác sĩ chẩn đoán bệnh của mình là gì? Có bao nhiêu phương án điều trị căn bệnh này? Nếu phẫu thuật là phương án tối ưu thì cuộc phẫu thuật sẽ làm gì, trong bao lâu? Thời gian nằm viện? Các tai biến và biến chứng có thể xảy ra, cách xử trí khi chúng xảy ra như thế nào? Những câu hỏi khác cũng rất quan trọng, nhất là ở Việt Nam là chi phí ước chừng cho cuộc mổ bao nhiêu? Sau mổ có cần người nuôi bệnh? Thời gian tự sinh hoạt sau mổ bao lâu?

Có một thực tế là đa số chúng ta đều tránh nói về tai biến và biến chứng xảy ra trong và sau cuộc mổ. Với bác sĩ, nhiều người ngại nói là do sợ bệnh nhân hoang mang không dám đi mổ.

Với bệnh nhân, đa số không nhắc đến chuyện này là do không dám đối mặt với thực tế vì bệnh nhân hay đòi hỏi bác sĩ phải cam kết kết quả tốt 100%.

Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là không có kết quả tốt 100% cho tất cả các cuộc phẫu thuật, mà luôn có một tỉ lệ nhất định bị tai biến hay biến chứng. Người ta chỉ có thể giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ mà thôi.

Tư vấn để tạo niềm tin giữa hai bên

Khi người bệnh hiểu rõ các tai biến và biến chứng có thể xảy ra thì việc tích cực tham gia cùng bác sĩ điều trị các tai biến này sẽ trở nên thuận lợi hơn và có thể khắc phục được chúng. Nếu không nhớ hết các điều cần hỏi, bệnh nhân có thể ghi ra giấy để hỏi khi được tư vấn, tránh trường hợp sau cuộc tư vấn lại thấy thiếu vài câu và trở lại hỏi bác sĩ nhiều lần.

Không ít trường hợp khi chúng tôi tư vấn xong cho một bệnh nhân, đến lượt người khác thì bệnh nhân đầu quay lại mở cửa phòng hỏi vài câu, sau đó tiếp tục vài lần như thế làm ảnh hưởng đến cuộc tư vấn sau.

Đối với bác sĩ, chúng ta cần thực hiện tốt việc tư vấn mọi vấn đề trước, trong và sau mổ cho bệnh nhân. Việc này đem lại lợi ích cho cả đôi bên nhằm tránh các khiếu kiện. Nếu thời gian quá eo hẹp, chúng ta có thể soạn các bài tư vấn in sẵn cho từng loại bệnh để cung cấp cho bệnh nhân.

Chúng ta nên để bệnh nhân tự quyết định việc phẫu thuật hay không, tránh trường hợp mình quyết định thay cho bệnh nhân khi họ còn hoàn toàn tỉnh táo và cuộc phẫu thuật không phải là quá khẩn cấp. 

Mỗi khoa nên có phòng tư vấn cho bệnh nhân, có thể ghi âm hay không tùy trang bị của mỗi bệnh viện. Theo tôi, tư vấn là quyền của mỗi bác sĩ. Quyền là vì nếu thực hiện cuộc tư vấn, chúng ta có thể phát hiện những lo lắng, yêu cầu quá sức của bệnh nhân để từ đó có quyền từ chối phẫu thuật chương trình nếu không thể đáp ứng các nhu cầu quá sức này.

Tóm lại, việc tư vấn cho bệnh nhân trước mổ hết sức quan trọng nhằm tạo tâm lý thoải mái cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Việc tư vấn giúp cả hai bên đều chuẩn bị kỹ càng cho cuộc mổ từ tâm lý đến tiền bạc, trang thiết bị. Tư vấn kỹ sẽ hạn chế việc khiếu kiện khi biến chứng xảy ra, tạo niềm tin giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Chuyện riêng tư của bệnh nhân

Một vấn đề nữa mà bệnh nhân và người nhà cần biết là các thông tin về bệnh tật là riêng tư giữa bệnh nhân và thầy thuốc, bệnh nhân có quyền cho người thân nghe hay không.

Tương tự, bác sĩ có quyền từ chối cung cấp thông tin bệnh tật cho thân nhân người bệnh nếu bệnh nhân là người hoàn toàn tỉnh táo và đủ tuổi để quyết định về việc làm của mình hoặc nếu bệnh nhân không chỉ định người thân nào sẽ được phép biết thông tin về bệnh tật của mình.

Không ít trường hợp chúng tôi đã tư vấn cho bệnh nhân, sau đó nhận được sự yêu cầu của một người tự xưng là thân nhân của người bệnh muốn được biết rõ tình trạng bệnh tật của bệnh nhân. Người này có thể là bà con họ hàng của bệnh nhân.

Thiết nghĩ luật cần làm rõ định nghĩa thân nhân người bệnh là những ai và muốn biết thông tin về bệnh tật người bệnh có cần phải có sự cho phép của bệnh nhân hay không...

Theo BS TĂNG HÀ NAM ANH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm