Tự kiểm tra để giảm ngộ độc thực phẩm

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (quận 12, TP.HCM) đang dùng cơm trưa. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Thực hiện hệ thống tự kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học là cần thiết. Do vậy, Sở GD-ĐT TP.HCM luôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải chấp hành để đảm bảo bữa cơm an toàn cho học sinh” – bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói.

Cần sự hỗ trợ từ ngành y tế

. Phóng viên: Thực hiện hệ thống tự kiểm tra ATVSTP trong trường học có cần sự hỗ trợ từ ngành y tế không, thưa bà?

+ Bà BÙI THỊ DIỄM THU: Rất cần sự giúp sức của ngành y tế. Từ tháng 7-2013, Sở GD-ĐT và Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức tập huấn hệ thống tự kiểm tra ATVSTP trong trường học cho tất cả các trường trực thuộc.

Tuy nhiên, khi vận hành hệ thống tự kiểm tra ATVSTP trong trường học còn có nhiều khó khăn cho ngành giáo dục.

. Bà có thể nói rõ các khó khăn?

+ Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP TP.HCM, hiện TP.HCM có trên 2.820 bếp ăn và căn-tin trường học. Trong khi đó, Sở GD-ĐT TP.HCM và các phòng GD-ĐT quận, huyện không đủ cán bộ chuyên trách về ATVSTP. Hiện chỉ có 10/24 phòng GD-ĐT quận, huyện có cán bộ chuyên trách về công tác y tế trường học, còn lại là kiêm nhiệm. Số lượng trường lớp do mỗi phòng GD-ĐT quận, huyện quản lý tương đối nhiều (trung bình 80 trường học và khoảng 150 bếp ăn, căn-tin). Theo quy trình, mỗi phòng GD-ĐT quận, huyện phải kiểm tra 100% căn tin và bếp ăn trường học ít nhất 6 tháng/lần. Phòng GD-ĐT quận, huyện không đủ nhân sự và chuyên môn để tổ chức kiểm tra bếp ăn và căn tin trường học trung bình 300 lần/năm.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo ATVSTP trong nhiều năm qua luôn thực hiện xuyên suốt từ cấp sở đến cấp trường với nhiều hoạt động diễn ra thường xuyên và định kỳ. Tuy nhiên, do ngành giáo dục không có nguồn kinh phí hỗ trợ trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và đảm bảo ATVSTP trong trường học nên chưa phát huy và chưa có bước đột phá.

Cần được hỗ trợ kinh phí

. Từ những khó khăn trên, Sở GD-ĐT TP.HCM có những kiến nghị gì không, thưa bà?

+ Sở kiến nghị cần có chế độ hỗ trợ kinh phí trong hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá và đảm bảo ATVSTP trong trường học. Có như thế, chất lượng bữa ăn của hơn 1,4 triệu học sinh TP.HCM sẽ được nâng cao và đảm bảo an toàn hơn nữa.

. Nhiều trường học bán trú ở TP.HCM hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn với các cơ sở bên ngoài nên dễ có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Vậy Sở GD-ĐT TP.HCM giám sát việc cung cấp suất ăn sẵn cho các trường ra sao, thưa bà?

+ Sở yêu cầu các trường chỉ hợp đồng với những cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Cơ sở chế biến phải bảo đảm vệ sinh, đúng qui trình chế biến thực phẩm một chiều. Sở cũng yêu cầu không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa trường học. Bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong đến khi cho học sinh ăn không được quá hai giờ. Thực phẩm sau khi chế biến quá hai giờ phải hâm nóng lại trước khi cho học sinh ăn.

Bên cạnh đó, định kỳ các trường cử cán bộ phụ trách bán trú tham quan, kiểm tra đột xuất đơn vị cung cấp suất ăn để đánh giá một cách khách quan nguyên liệu thực phẩm, quy trình chế biến…

Hệ thống tự kiểm tra ATVSTP trong trường học bao gồm điều kiện cơ sở vật chất; trang thiết bị, dụng cụ; nguyên liệu; bảo quản thực phẩm trong chế biến; nhân viên tiếp xúc với thực phẩm.

Năm 2014, TP.HCM xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học và một vụ liên quan đến đường tiêu hóa khiến hơn 320 học sinh phải vào bệnh viện. Năm 2015, một vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3) khiến 65 học sinh phải vào bệnh viện. Tháng 3-2016, hơn 40 học sinh Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận 1) bị ngộ độc thực phẩm. 

ThS-BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM.

Đơn vị tài trợ: Chi nhánh Công ty TNHH TM-DV Chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm