Trở về từ cõi chết nhờ trí tuệ nhân tạo

Thời gian qua, Bộ Y tế đã chọn ba bệnh viện (BV) là BV Ung bướu TP.HCM, BV K và BV đa khoa tỉnh Phú Thọ tham gia thử nghiệm ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo trong tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ trong lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư tiên tiến và hiệu quả cho người bệnh. Đã có hàng trăm bệnh nhân được điều trị thành công.

Thoát ung thư phổi giai đoạn cuối ngoạn mục

Nhắc đến những thành công từ trí tuệ nhân tạo (AI), BS Trần Xuân Vĩnh, Trưởng khoa Hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ, không thể nào quên trường hợp đầu tiên áp dụng AI điều trị ung thư thành công cách đây hơn một năm.

Chị Đàm Thị Hạnh (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) mắc ung thư phổi giai đoạn cuối đã di căn sang xương khi chỉ mới 47 tuổi. Khi phát hiện bệnh, gia đình bệnh nhân đã chạy chữa nhiều nơi nhưng đều khá thất vọng vì chưa có giải pháp nào triệt để.

“Gia đình tôi đã có ý định bán nhà, đất để sang nước ngoài điều trị. Vì khi nhìn thấy tôi phải dùng đến những loại thuốc giảm đau cực mạnh, chồng con tôi ai cũng đau lòng, xót xa. Tôi được nghe giới thiệu tại BV đa khoa Phú Thọ có phương pháp điều trị mới, do đó tôi tìm đến BV như mong đợi và hy vọng cuối cùng” - chị Hạnh kể lại.

Chị Hạnh được các bác sĩ tại BV đa khoa tỉnh Phú Thọ lấy các thông tin bệnh án, đưa thông tin vào AI và nhận được các khuyến nghị về phác đồ điều trị, trong đó có nhiều phác đồ mới và sau khi thảo luận, các bác sĩ đã chọn phác đồ phù hợp nhất giúp bệnh nhân thích nghi rất tốt. Sau gần nửa năm áp dụng, chị Hạnh đáp ứng tốt với phác đồ và sức khỏe hồi phục một cách nhanh chóng.

“Lúc bệnh nhân Hạnh đến BV, tình trạng bệnh đã rất xấu, chúng tôi đã dùng kiến nghị của trí tuệ nhân tạo để tìm ra phác đồ điều trị cho chị Hạnh. Đây là công cụ giúp bác sĩ rất nhiều, giảm thời gian hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị, qua đó bác sĩ có thể dành nhiều thời gian cho bệnh nhân của mình” - BS Vĩnh chia sẻ thêm.

Chị Đàm Thị Hạnh chia sẻ câu chuyện được chữa khỏi ung thư phổi nhờ AI.

Thành công trên nhiều loại bệnh ung thư

BV Ung bướu TP.HCM cũng đã thử nghiệm phần mềm trí tuệ nhân tạo trên 103 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Kết quả cho thấy tỉ lệ tương đồng giữa phác đồ của BV và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị ung thư vú là 71%, ung thư đại trực tràng là 88,1%.

Theo các bác sĩ của BV Ung bướu TP.HCM, phần mềm AI hỗ trợ hầu hết các giai đoạn của ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Mức độ tương đồng cao nhất giữa phác đồ điều trị của BV và phần mềm AI trong ung thư vú là ở giai đoạn II, III, còn trong ung thư đại trực tràng mức độ tương đồng cao nhất là giai đoạn IV.

Đánh giá hiệu quả của phần mềm trí tuệ nhân tạo này, các bác sĩ BV Ung bướu nhận xét cơ sở dữ liệu của hệ thống chủ yếu theo thực tế điều trị ung thư tại nước Mỹ, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh giúp các bác sĩ có thể cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, có hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu một cách nhanh nhất; phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia.

Tuy nhiên, phần mềm cũng có hạn chế như chưa có phiên bản tiếng Việt; chưa có sự đánh giá dựa trên thực tiễn của Việt Nam như đặc thù của các BV (cơ sở vật chất, danh mục thuốc và quá tải) và của người bệnh (địa lý, tài chính, chế độ bảo hiểm y tế…); không thay thế được bác sĩ khi ra quyết định điều trị.

Hai phút để đưa ra phác đồ điều trị

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nghe lạ lẫm, khó hiểu nhưng thực chất là các bác sĩ sử dụng phần mềm tích hợp hàng triệu bệnh án và phương án điều trị ung thư tại Mỹ. Khi bác sĩ nhập dữ liệu thông tin của người bệnh vào IBM WFO, hệ thống sẽ xử lý và đưa ra các phác đồ điều trị với các thứ tự ưu tiên về tính hiệu quả và bằng chứng chứng minh cho phác đồ đó. Bác sĩ sẽ quyết định cuối cùng phác đồ nào tốt nhất với bệnh nhân.

Trước đây bác sĩ mất 29 giờ để đưa ra phác đồ điều trị một bệnh nhân thì nay nhờ AI chỉ mất hai phút, tiết kiệm được thời gian và công sức rất nhiều. Khi sử dụng hệ thống, bệnh nhân như được hội chẩn với đội ngũ bác sĩ đầu ngành tại Mỹ mà không phải ra nước ngoài.

Ông PHẠM XUÂN VIẾT, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm