Trên đường đi làm, người phụ nữ trẻ ôm ngực đi cấp cứu

Ngày 21-12, Thượng tá - BS Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa hồi sức tích cực BV Quân y 175 (TP.HCM), cho biết khoa đang điều trị cho bệnh nhân nữ PMD (37 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) bị nhồi máu cơ tim do tắc động mạch liên thất trước.

Trước đó, bệnh nhân có tiền sử bệnh cao huyết áp, vào sáng 18-12, trên đường đi làm, bệnh nhân cảm thấy mệt, đau ngực nên vào BV quận Gò Vấp để cấp cứu.

Khi vào đến viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng tím tái, ngừng hô hấp tuần hoàn nên ngay lập tức được các bác sĩ ép tim và dùng thuốc hỗ trợ cho tim đập trở lại. Đánh giá tình trạng bệnh nhân rất nặng, bệnh viện ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ liên viện đến BV Quân y 175 nhờ hỗ trợ, chuyển bệnh nhân sang tiếp tục điều trị.

Mặc dù đoạn đường di chuyển khá ngắn nhưng trên xe, sắp gần đến cổng cấp cứu BV Quân y 175, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim lần 2. Đã được thông báo từ trước nên các bác sĩ BV Quân y 175 lập tức phối hợp nhịp nhàng hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân và kích hoạt hệ thống báo động nội viện (code blue). Phải mất 15 phút sau, tim bệnh nhân mới đập trở lại.

Bệnh nhân PMD sau nhồi máu cơ tim đang điều trị tại Khoa hồi sức tích cực BV Quân y 175. Ảnh: HL

Bệnh nhân sau đó được đưa vào Khoa hồi sức tích cực và tiến hành hội chẩn cấp cứu. Tại đây, chụp mạch can thiệp, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, nguy cơ ngưng tim lần nữa và đột tử rất cao nếu không can thiệp. Do đó, các bác sĩ đã quyết định đặt stent thông động mạch bị tắc cho bệnh nhân.

Sau khi được can thiệp, mạch, huyết áp của bệnh nhân đã kiểm soát được. Tuy nhiên, lo ngại di chứng sống đời thực vật cho bệnh nhân nên các bác sĩ tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm soát thân nhiệt theo mục tiêu cho bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân được duy trì thân nhiệt chỉ ở mức 33 đến 36 độ trong vòng 48 tiếng đồng hồ, mục đích chính là bảo vệ não, giảm tỉ lệ tổn thương não sau ngừng máu tuần hoàn. 

Kết quả sau khi ngắt máy khá khả quan, bệnh nhân đã nhận biết được và đang tiếp tục giảm an thần, cai máy thở, xét nghiệm chức năng gan thận ổn. Tuy nhiên, do ngừng máu tuần hoàn, bệnh nhân không tránh khỏi bị suy đa cơ quan và có biểu hiện bị suy tim, cần tiếp tục điều trị, hỗ trợ và tiếp tục theo dõi.

BS Ân khuyến cáo: Trước đây, tỉ lệ người mắc nhồi máu cơ tim thường trên 40 tuổi nhưng gần đây, khuynh hướng người mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa. Do đó, người trẻ cũng nên khám tầm soát bệnh lý tim mạch định kỳ, đo điện tim khoảng một năm/lần. Những người có bệnh lý tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu cần đặc biệt quan tâm và tầm soát bệnh thường xuyên hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm