Trẻ uống nhiều sữa cũng không thể hết lùn?

Do đó, sữa chỉ là một sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn chứ không phải là thực phẩm giúp cho chiều cao của trẻ như các bà mẹ vẫn hay nghĩ.

Nhân tuần lễ dinh dưỡng sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 23-10 sắp tới, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo thông tin về những vấn đề dinh dưỡng hiện nay.

Theo ThS-BS Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, một số nghiên cứu hiện nay cho thấy rất nhiều trẻ em ở các thành phố lớn hiện đã đạt được nhu cầu về năng lượng nhưng lại có sự mất cân đối năng lượng giữa các bữa ăn.

Ví dụ như buổi sáng trẻ bị thiếu năng lượng, bữa trưa và bữa tối thì bị thừa. Các chất dinh dưỡng cũng phân bổ không đúng khi thịt đang được tiêu thụ rất nhiều, còn tỉ lệ tiêu thụ sữa lại thấp.

Theo nghiên cứu của 10 phường ở TP.HCM và TP Hà Nội, lứa tuổi trẻ tiểu học là lứa tuổi tiêu thụ nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa nhất. Ước tính khoảng 190 g/người/ngày.

Một vấn đề nữa được Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng Trần Khánh Vân tiết lộ, đó là tỉ lệ dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng ở trong sữa rất thấp nên mặc dù nó dễ tiêu hóa và phù hợp cho mọi lứa tuổi nhưng vẫn không phải là thực phẩm để căn cứ vào đó nhằm tăng trưởng chiều cao.

PGS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Dinh dưỡng, thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

“Trên thực tế, sữa chỉ là một thực phẩm hướng đến để xây dựng một bữa ăn dinh dưỡng hợp lý nhằm giảm tỉ lệ gánh nặng kép, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân. Đồng thời không gây thừa cân và béo phì. Chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý thường được coi trọng hơn là tập trung vào một loại thực phẩm đơn thuần là sữa để tăng chiều cao. Kết quả từ 15 nghiên cứu khác nhau về tác dụng của sữa đối với trẻ em cho thấy mặc dù đã có bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa rồi nhưng các nghiên cứu vẫn còn đưa ra các kết quả không đồng nhất. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sữa tăng cường sắt nên sẽ cải thiện được tình trạng sắt cho trẻ em, một số nghiên cứu khác thì lại cho kết quả ngược lại" - BS Vân thông tin thêm.

Cũng theo BS Vân, tại Việt Nam, Viện Dinh dưỡng chưa có các nghiên cứu theo chiều dọc về tác dụng của sữa đối với chiều cao của trẻ. Do đó sữa chỉ là một sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn chứ không phải là thực phẩm giúp cho chiều cao của trẻ như các bà mẹ vẫn hay nghĩ.

Thêm thông tin về chiều cao người Việt hiện nay, PGS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho biết chiều cao người Việt đang có mức tăng nhanh và hứa hẹn các thế hệ sau sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, theo kết quả tổng điều tra năm 2010 và điều tra giám sát dinh dưỡng hằng năm, chiều cao trung bình đạt được (tức là mức cao nhất đạt đến) của thanh niên Việt Nam nằm ở nhóm tuổi 20-24. Theo đó, chiều cao của nam giới là 164,4 cm và nữ 153,4 cm. Nếu tính riêng ở các thành phố lớn thì nam giới cao 167,4 cm và nữ cao 154,7 cm. Ở vùng nông thôn chiều cao thấp hơn, với nam là 164,1 cm và nữ là 153,2 cm.

Nếu xếp hạng trong khu vực châu Á thì chiều cao của thanh niên Việt Nam ngang với Indonesia, Philippines nhưng thấp hơn so với Singapore, Nhật, Thái Lan và Malaysia.

PGS Tuyên nhìn nhận tăng trưởng chiều cao của người Việt chậm hơn các nước. So sánh số liệu của Mondiere (năm 1875) và Madrolle (năm 1937) với số liệu năm 1975 thì có thể thấy chiều cao người Việt Nam không thay đổi gì trong suốt thời gian này. Từ năm 1975 đến 2000, chiều cao nam thanh niên tăng chậm, trung bình 1,1 cm mỗi thập niên. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, chiều cao nam đã tăng thêm 2,1 cm, nữ 1 cm. "Đây là mức tăng nhanh nếu so với các quốc gia khác trên thế giới" - ông Tuyên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm