Tranh cãi xung quanh việc hiến tạng khi tim còn đập

Bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bác sĩ xác định bệnh nhân đã chết. Gia đình thực hiện nghĩa cử cao đẹp, nhân văn là hiến toàn bộ nội tạng cho y học. Tuy nhiên, khi giám định pháp y, cơ quan công an lại cho rằng bệnh nhân chết do bị lấy nội tạng, không phải do tai nạn giao thông.

“Tim còn đập sao gọi là chết?”

Vừa qua, Bệnh viện (BV)  Chợ Rẫy tiếp nhận một trường hợp nạn nhân nam, bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Qua cấp cứu và can thiệp y học, các bác sĩ xác định bệnh nhân này đã chết não, không còn cơ hội cứu vãn. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian khi tim ngưng đập hoàn toàn.

Thể theo di nguyện con trai lúc còn sống, gia đình nạn nhân trình bày nguyện vọng được hiến nội tạng của con mình cho y học. Được sự đồng ý giữa gia đình và bác sĩ, nạn nhân được thực hiện phẫu thuật lấy nội tạng sau khi hội đồng chuyên môn đã xác định đã chết não, không thể cứu được nữa.

Theo đúng quy trình, BV Chợ Rẫy thông báo lại vụ việc cho một đơn vị công an thuộc tỉnh Đồng Nai, nơi trực tiếp làm giám định pháp y cho người chết để có thể cùng thực hiện việc giám định và lấy nội tạng cùng lúc; tránh phải mổ xác nhiều lần, gây ảnh hưởng đến cơ thể người đã mất.

Kết luận của hội đồng chuyên môn gồm nhiều chuyên gia hàng đầu xác định bệnh nhân đã hoàn toàn chết não. Theo y học, để có thể lấy được nhiều nhất nội tạng của bệnh nhân giúp đỡ những người khác, các bác sĩ BV Chợ Rẫy thực hiện lấy tạng khi bệnh nhân đã hoàn toàn chết não, lúc này tim vẫn còn đập để tưới máu đi các cơ quan khác. Quá trình lấy tạng được thực hiện đúng quy định và được ghi lại theo hướng dẫn của một quy trình lấy tạng.

Thế nhưng đơn vị công an thuộc tỉnh Đồng Nai cho rằng không thể thực hiện giám định pháp y cho người đã chết. Đơn vị này yêu cầu gia đình làm giấy bãi nại cho người đã gây ra tai nạn giao thông và không truy cứu trách nhiệm hình sự với lý do bệnh nhân chết do bác sĩ BV Chợ Rẫy lấy nội tạng chứ không phải chết do tai nạn giao thông. Vì lúc bệnh nhân được lấy nội tạng tim vẫn còn đập, tức là vẫn chưa chết.

Một ca phẫu thuật ghép tạng từ người hiến tạng tại BV Trung ương Huế. Ảnh: BÙI OANH

Tranh cãi về định nghĩa “chết”

Theo BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy TP.HCM, quy định hiến, lấy mô và bộ phận cơ thể của người sau khi chết được quy định trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã được ban hành năm 2006. Khi soạn thảo luật này, chỉ dựa trên căn cứ luật của nước ngoài mà soạn thảo trên lý thuyết chứ ở Việt Nam chưa có thực tế. Vì thế, từ ngữ trong luật cũng chưa được chuẩn xác. Luật cũng chỉ ghi là chết, chứ không phân biệt chết não hay chết tim...

Tuy nhiên, trong y khoa khái niệm chết có nhiều kiểu khác nhau nhưng chung quy lại chết là không cứu được nữa.

Trường hợp tim ngưng đập mà não không bị tổn thương, bệnh nhân cũng sẽ chết do máu không thể đi các bộ phận khác. Đối với chết não, bác sĩ và hội đồng xác định không thể cứu vãn cho dù những cơ quan khác vẫn còn sống như tim, thận…

“Từ khi việc hiến, ghép mô tạng được thực hiện tại BV Chợ Rẫy, đây là lần thứ hai xảy ra nhập nhằng giữa bác sĩ và ngành công an. Chúng tôi mất thời gian đi làm việc ngoài chuyên môn là giải thích cho công an hiểu quy định của y khoa và đôi khi làm ảnh hưởng rất nhiều đến nghĩa cử cao đẹp của người cho mô, tạng” - BS Thu nói.

Cũng theo BS Thu, cần có định nghĩa rõ hơn về “cái chết” trong các văn bản pháp luật để thống nhất giữa các cơ quan liên quan. Trong y học, khoảng thời gian ngưng tim tự nhiên chính là thời gian vàng để lấy tạng, hỗ trợ cho các bệnh nhân khác. “Nếu cứ tiếp tục lấn cấn, bác sĩ lại mang danh giết người thì tội quá” - BS Thu nói.

Đồng quan điểm với BS Thu, BS Trần Thành Định, Phó phòng Khoa học hình sự (PC54) - Công an TP.HCM, chuyên trách về giám định pháp y cho nạn nhân tử vong, chia sẻ về nguyên tắc BV tiếp nhận yêu cầu của người hiến tạng, xác định nạn nhân không thể cứu được nữa thì BV mới tiến hành lấy tạng.

Trong trường hợp cụ thể trên, bệnh nhân bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, tổn thương não, hôn mê, chỉ còn đời sống thực vật và được duy trì qua máy thở. Nếu rút máy thở thì bệnh nhân ngay lập tức sẽ ngưng tim, ngưng thở.

“Cơ quan pháp y công an cho rằng bệnh nhân chết do bị bác sĩ lấy nội tạng là không chính xác. Bệnh nhân đồng ý hiến tạng đã được hội đồng y khoa xác định đã chết, nguyên nhân chết là do tai nạn giao thông. Nhiệm vụ của BV Chợ Rẫy là chọn thời điểm lấy tạng, thực hiện cẩn thận tất cả quy trình lấy tạng theo đúng quy định” - BS Định nói.

Chết não phải được hội đồng thông qua

Cũng liên quan đến việc hiến tạng, vào tháng 3-2015, GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh, Trưởng bộ môn Tiết niệu học Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đã nói với PV báo Pháp Luật TP.HCM: Hiến tạng khi còn sống không trái luật nếu không vì mục đích buôn bán hoặc bị ép buộc dưới mọi hình thức. Người hiến phải hoàn toàn tự nguyện. Còn hiến tạng khi chết não, lúc đó người bệnh đã hôn mê, ngừng thở phải thở máy, các chỉ số sinh học chứng minh không còn khả năng hồi phục, tim lúc đó còn đập nhưng sẽ ngừng trong thời gian ngắn. Đó là cơ hội quý để lấy tạng trước khi tạng cũng chết theo người bệnh.

Cũng theo GS-TS Sinh, thông lệ quốc tế quy định hiến tạng khi chết não rất chặt chẽ. Trước khi thực hiện hiến tạng chết não, bệnh nhân phải được hội đồng chết não thông qua. Thành phần của hội đồng chết não phải được bổ nhiệm theo nguyên tắc không có thành viên nào là người của êkíp ghép tạng.

Khi cần xác định chết não, người đứng đầu của cơ sở y tế chỉ định nhóm chuyên gia gồm ba người thuộc danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não và thuộc ba lĩnh vực theo quy định (hồi sức cấp cứu, thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh, giám định pháp y). Bác sĩ trực tiếp tham gia ghép mô, bộ phận cơ thể người và bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người chết não không được tham gia nhóm chuyên gia xác định chết não.

(Trích khoản 3 Điều 27 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác do Quốc hội ban hành ngày 29-11-2006)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm